Loading


Công văn 1094/LĐTBXH-VP về phát động phong trào thi đua bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2011 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1094/LĐTBXH-VP
Ngày ban hành 14/04/2011
Ngày có hiệu lực 14/04/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Trọng Đàm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1094/LĐTBXH-VP
V/v Phát động phong trào thi đua bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2011

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ

Năm 2010 tình hình thế giới, khu vực đã có những diễn biến phức tạp cả về chính trị, kinh tế và quân sự; các hoạt động chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động ly khai, khủng bố, âm mưu bạo loạn lật đổ tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi; Kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nước ta, tình hình thời tiết, khí hậu toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của đất nước, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá (6,7%). Đóng góp vào những thành tích chung đó, cùng với việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đạt được những kết quả thiết thực.

Bước sang năm 2011, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; chỉ số giá cả tiếp tục biến động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, công chức và nhân dân, tình trạng lọt lộ bí mật, mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, vấn đề tranh chấp khiếu kiện, đình công, lãn công tại các khu công nghiệp, an ninh nông thôn, đô thị, tôn giáo và tội phạm có diễn biến phức tạp mới…

Để tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt đảm bảo tổ chức thành công các sự kiện chính trị trọng đại như: bầu cử Quốc hội khóa XIII, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng… sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” chia rẽ nội bộ Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 13/2008/CT-TTg ngày 11/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ; theo tinh thần hướng dẫn số 337/HD-A83-P1 ngày 16/2/2011 của Cục Bảo vệ An ninh nội bộ (A83), Tổng cục An ninh II, Bộ Công an, Bộ phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2011 ở cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc với những nội dung cơ bản sau:

1. Các đơn vị thường xuyên quán triệt đến cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt về chỉ thị Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là Chỉ thị 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường Lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”; rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, lối sống trong sạch lành mạnh, đề cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đôn đốc nhắc nhở cán bộ, công nhân viên khi phát hiện tài liệu có nội dung xấu phát tán vào cơ quan cần kịp thời báo cáo với lãnh đạo cơ quan và trao đổi với Cục Bảo vệ An ninh nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an để có biện pháp xử lý; động viên cán bộ, công nhân viên tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao gắn với đề tài an ninh, quốc phòng, phòng chống tội phạm; kịp thời biểu dương nhân rộng gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào.

2. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng; kiên quyết đấu tranh với những khuynh hướng, tư tưởng lệch lạc, sai trái; xây dựng, củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể quần chúng; nâng cao vai trò trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của cán bộ đảng viên; xây dựng đoàn kết nội bộ thực hiện công khai dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các vụ việc sai phạm; giải quyết dứt điểm các khiếu kiện, vướng mắc của nhân dân, không để vụ việc diễn biến phức tạp, kéo dài, để kẻ địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc.

3. Trong hoạch định và thực thi chính sách cần tập trung giải quyết tích cực những vấn đề còn tồn tại, bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành như: Vấn đề tồn đọng chính sách sau chiến tranh: thất nghiệp, thiếu việc làm, quan hệ lao động, an sinh xã hội; phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, miền, nhất là những địa bàn dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến; phòng, chống tệ nạn xã hội.

4. Trong ký kết đàm phán thực hiện các dự án quốc tế, vừa tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhưng phải giữ vững nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; đồng thời cử cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, bản lĩnh và kinh nghiệm để nắm giữ các vị trí chủ chốt điều hành dự án, không để phía đối tác gây sức ép hoặc lợi dụng áp đặt các mục tiêu chính trị nằm ngoài mục tiêu của dự án.

5. Thực hiện tốt các quy định của Trung ương và quy chế của Bộ trong việc cử đoàn đi công tác nước ngoài; phải xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và có biện pháp quản lý chặt chẽ; từng cá nhân phải báo cáo bằng văn bản sau khi đi công tác về; thực hiện thông báo trước với Cục Bảo vệ An ninh nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an để nắm, phối hợp quản lý. Đối với những đoàn hoặc cá nhân được mời đích danh nhưng không rõ nội dung chuyến đi hoặc không cần thiết thì kiên quyết không cử người đi nước ngoài.

6. Quản lý chặt chẽ công tác in ấn, xuất bản, phát hành báo, tạp chí của nhà xuất bản và việc sử dụng điện thoại, máy vi tính, máy fax, Internet; việc quản lý khai thác các tài liệu mật bảo đảm đúng quy định; các tài liệu thông tin về ngành và thông tin qua các hội nghị, hội thảo, nhất là các hội thảo quốc tế phổ biến đúng đối tượng. Làm tốt công tác văn thư lưu trữ quản lý các tài liệu trong danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước của lĩnh vực thuộc ngành quản lý theo đúng quy định, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/2008/CT-TTg ngày 11/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới” làm cơ sở để quản lý, kiểm soát thông tin, tài liệu đến và đi, không để địch lợi dụng thu thập phát tán tài liệu phá rối nội bộ.

7. Khối cơ quan Bộ và từng đơn vị duy trì, quản lý tốt chế độ làm việc, sinh hoạt; củng cố ban chỉ huy quân sự các cấp, củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách của cơ quan theo Nghị định số 73/2001/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/BCA ngày 26/8/2002 của Bộ Công an. Xây dựng phương án bảo vệ cơ quan và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào cơ quan nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, tết và các ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước; chủ động quan hệ, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng duy trì trật tự, bảo đảm an toàn cơ quan đơn vị trên địa bàn.

8. Quá trình triển khai thực hiện phong trào cần kết hợp tốt với các phong trào khác như: phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào toàn dân đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm; phong trào phòng chống tội phạm; đồng thời gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ và từng đơn vị.

Căn cứ vào các nội dung trên đây và đặc điểm, tình hình cụ thể, từng đơn vị xây dựng chương trình phát động phong trào bảo vệ an ninh, trật tự an toàn của đơn vị mình với những nội dung thiết thực, đổi mới hình thức và phương pháp vận động; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện phong trào coi đó là một nội dung trong tổng kết cuối năm và là tiêu chí đánh giá thi đua của từng đơn vị./.

(Tháng 11 các đơn vị gửi báo cáo tổng kết phong trào về Văn phòng Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Bộ Công an (A83) (để b/c);
- Lưu VT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ