Loading


Công văn 1399/BKHCN-ĐTG năm 2021 hướng dẫn nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 1399/BKHCN-ĐTG
Ngày ban hành 31/05/2021
Ngày có hiệu lực 31/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Xuân Định
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1399/BKHCN-ĐTG
V/v hướng dẫn nội dung KH, CN&ĐMST trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố

Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/05/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị định số 37/2019/NĐ-CP), hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi chung là quy hoạch tỉnh). Triển khai các văn bản nêu trên, ngày 22/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 373/BKHĐT-QLQH về việc hướng dẫn về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh (gửi kèm theo Công văn này).

Để nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện rõ nét trong quy hoạch, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ, từ đó đóng góp cụ thể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nội dung để Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương tham khảo để tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh trong quá trình lập quy hoạch.

1. Quan điểm

1.1. Nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quy hoạch tỉnh bám sát quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạchĐiều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về khoa học và công nghệ của tỉnh.

1.2. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng của quy hoạch tỉnh, được xây dựng theo phương thức tích hợp quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Quy hoạch, nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững của địa phương.

1.3. Nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quy hoạch tỉnh được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; cập nhật nội dung của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; dự thảo Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; dự thảo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501; dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/3/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghệ cao.

2. Các nội dung cụ thể

2.1. Về đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội (điểm b khoản 2 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP)

Đánh giá thực trạng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2010-2020 lồng ghép trong thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các địa phương có nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiến hành đánh giá dựa trên kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại các văn bản này, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

a) Đánh giá vai trò, đóng góp hoạt động nghiên cứu và phát triển trên các lĩnh vực Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp; Khoa học xã hội; Khoa học nhân văn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố (bảo đảm quốc phòng - an ninh; chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...).

Đánh giá vai trò, đóng góp của các lĩnh vực: tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ... vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Đánh giá thực trạng đầu tư cho hạ tầng khoa học và công nghệ: tổng chi cho hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp khoa học và công nghệ); cơ sở vật chất - kỹ thuật của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; nhân lực khoa học và công nghệ; cơ sở dữ liệu, thông tin, thống kê, thư viện khoa học và công nghệ; thị trường khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; sàn giao dịch công nghệ; khu nghiên cứu, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khu làm việc chung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phòng thí nghiệm...;

c) Xác định nhưng tồn tại, hạn chế; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, dự báo về sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đến vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

2.2. Về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh, thành phố (khoản 3 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP)

a) Thể hiện được quan điểm, mục tiêu chung là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lựa chọn phương án phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh.

b) Đề xuất đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh:

- Tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn;

- Tổng chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo/tổng chi ngân sách địa phương;

- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao/Tổng giá trị sản xuất công nghiệp;

- Số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; số doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành;

- Các chỉ tiêu về năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến; doanh nghiệp được chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;

- Số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cấp.

2.3. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh (khoản 4 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP)

Xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp để phát triển các ngành quan trọng của tỉnh thông qua:

a) Hình thành một số chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề lớn, trọng tâm của tỉnh, thành phố; nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để có chính sách phù hợp trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra trong quá trình phát triển; định hướng lựa chọn phát triển một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên;

b) Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến; chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương; các sản phẩm cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hỗ trợ xác lập, quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương; hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực có thế mạnh xuất khẩu ở các thị trường tiềm năng;

[...]
2