Loading


Công văn 2379/TCT-CS năm 2023 về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với tài nguyên khai thác, mua bán không rõ nguồn gốc do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 2379/TCT-CS
Ngày ban hành 13/06/2023
Ngày có hiệu lực 13/06/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Lưu Đức Huy
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2379/TCT-CS
V/v thuế tài nguyên, phí BVMT đối với tài nguyên khai thác, mua bán không rõ nguồn gốc

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1606/CT-TTKT2 ngày 14/03/2023 của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa về việc xử lý về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với tài nguyên khai thác, mua bán không rõ nguồn gốc. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Căn cứ khoản 2 Điều 58, Điều 73 Luật Khoáng sản 2010;

- Căn cứ Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản;

- Căn cứ Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ;

- Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên (đã được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 67 Luật Dầu khí 2022);

- Căn cứ Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên;

- Căn cứ khoản 2 Điều 1, Điều 6, Điều 10 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/5/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính;

- Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 50, khoản 2 Điều 136 Luật Quản lý thuế 2019;

- Căn cứ Điều 16, Điều 17 và Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

1. Về thuế tài nguyên:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyênkhoản 1 Điều 3 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, về nguyên tắc, người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên. Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại Điều 47, Điều 48 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi bởi khoản 22, khoản 23 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ), đối với hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác của cơ quan có thẩm quyền, ngoài bị phạt tiền thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy”. Đối với tài nguyên khai thác trái phép bị bắt giữ, tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải khai, nộp thuế tài nguyên theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 152/2015/TT-BTC.

Thuế tài nguyên được xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên tính thuế. Căn cứ kê khai của người nộp thuế về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác trong năm theo từng mỏ tại Bảng kê được nộp cùng với Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên khi kết thúc năm tài chính, trong vòng 05 ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm chuyển cơ quan tài nguyên và môi trường thông tin chi tiết về sản lượng khai thác tài nguyên trong năm theo từng mỏ của các đơn vị trong địa bàn. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan tài nguyên và môi trường. Trường hợp sản lượng khai thuế không phù hợp sản lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu các quy định nêu trên và hồ sơ cụ thể để thực hiện quản lý thu thuế tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật.

2. Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản với cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng nơi khai nộp thuế tài nguyên. Cơ quan thuế địa phương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp phí, quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Trường hợp người nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán thì cơ quan thuế thực hiện ấn định số phí bảo vệ môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa căn cứ hồ sơ cụ thể để xác định hành vi vi phạm làm cơ sở xác định trường hợp ấn định thuế theo quy định.

3. Về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính:

Trường hợp khoản chi không có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật thì không đáp ứng điều kiện các khoản chi được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính.

Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản (khai thác không có giấy phép, khai thác vượt công suất...) thực hiện theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế.

Về xử lý vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để kê khai, nộp thuế thì tùy từng trường hợp cụ thể, người nộp thuế có thể bị xem xét, xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP; hoặc hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP; hoặc hành vi trốn thuế theo quy định tại điều d khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Vụ CST, PC (BTC);
- Vụ PC (TCT);
- Lưu: VT, CS.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

3