Loading


Công văn 241/QHLĐTL-CSLĐ năm 2018 thực hiện hợp đồng lao động do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành

Số hiệu 241/QHLĐTL-CSLĐ
Ngày ban hành 16/07/2018
Ngày có hiệu lực 16/07/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Quan hệ lao động và Tiền lương
Người ký Tống Thị Minh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CỤC QUAN HỆ LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/QHLĐTL-CSLĐ
V/v kiến nghị của Công ty TNHH Yokogawa Việt Nam

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn Yokogawa Việt Nam
(Phòng 401, tầng 4, số 169 đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)

Cục Quan hệ lao động - Tiền lương nhận được công văn số 6281/VPCP- ĐMDN ngày 04/7/2018 của Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yokogawa Việt Nam về một số vướng mắc trong quá hiện hợp đồng lao động với người lao động, sau khi nghiên cứu, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có ý kiến như sau:

1. Về việc tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động

a) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động, Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì hợp đồng lao động phải có nội dung về công việc và địa điểm làm việc của người lao động, trong đó nội dung công việc là công việc mà người lao động phải thực hiện.

b) Theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Lao động thì trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

c) Theo quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trong các trường hợp sau: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước; do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp. Thời gian tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.

Đề nghị quý Công ty căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp cụ thể của Công ty để thực hiện.

2. Về việc điều chỉnh tiền lương của người lao động

Theo quy định tại Điều 24 của Bộ luật Lao động thì phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp nội dung hợp đồng lao động về tiền lương thay đổi thì người sử dụng lao động và người lao động sử dụng phụ lục hợp đồng lao động để sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động cho phù hợp.

Trên đây là ý kiến của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, gửi Công ty trách nhiệm hữu hạn Yokogawa Việt Nam biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Đổi mới doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- VCCI;
- TT. Doãn Mậu Diệp (để b/c);
- Lưu VP, CSLĐ.

CỤC TRƯỞNG




Tống Thị Minh

 

4