Loading


Công văn 262/UBTVQH14-PL năm 2018 thống nhất thực hiện quy định về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 262/UBTVQH14-PL
Ngày ban hành 17/04/2018
Ngày có hiệu lực 17/04/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/UBTVQH14-PL
V/v thống nhất thực hiện các quy định về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2018

 

Kính gửi: Chính phủ

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở xem xét đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện một số nội dung về địa giới hành chính như sau:

1. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cấp tỉnh khẩn trương rà soát, thống kê tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, báo cáo Chính phủ. Đối với các đơn vị hành chính mà chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên thì khẩn trương xây dựng đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo triển khai, hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn trước năm 2021. Đối với các đơn vị hành chính còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định thì phải có phương án sắp xếp để từ năm 2021 đến năm 2030 hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn để đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Số liệu về quy mô dân số làm căn cứ để rà soát được xác định theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sau đây gọi là Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13).

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, quyết định việc thành lập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi đơn vị được thành lập mới và các đơn vị được chia, điều chỉnh đều bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện và theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Việc đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính phải được tiến hành trên cơ sở các địa phương đã rà soát kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện và đặt trong tổng thể chung nhằm bảo đảm tính ổn định của các đơn vị hành chính.

Riêng đối với trường hợp điểm c khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định việc thành lập đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở một đơn vị hành chính cùng cấp mà không làm tăng đơn vị hành chính thì không áp dụng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên: Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, đề nghị cơ quan thẩm định, thẩm tra và chính quyền địa phương khi tiến hành lập, thẩm định, thẩm tra các đề án về thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cần lưu ý:

a) Nếu đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nào chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định của pháp luật thì kiên quyết trả lại hồ sơ;

b) Nếu đơn vị hành chính nào đạt từ 50% tiêu chuẩn trở lên về diện tích tự nhiên và bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật thì vẫn tiến hành các quy trình, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhưng phải kèm theo phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

3. Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, liên quan và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và đề nghị lưu ý một số nội dung sau đây:

a) Đối với đô thị được công nhận loại đô thị trước ngày 25/5/2016 (ngày Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 hiệu lực thi hành) mà phạm vi phân loại đô thị không trùng với phạm vi ranh giới đơn vị hành chính dự kiến thành lập thì khi lập đề án thành lập phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ đơn vị hành chính dự kiến thành lập để công nhận loại đô thị phù hợp, không chỉ đánh giá khu vực dự kiến mở rộng nội thành, nội thị để thành lập quận, phường hoặc khu vực dự kiến sáp nhập vào đơn vị hành chính đô thị;

b) Chỉ sau khi đã có văn bản đánh giá, phân loại đô thị của cơ quan có thẩm quyền thì mới tiến hành các thủ tục lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến Hội đồng nhân dân các cấp và tiến hành các thủ tục pháp lý khác để thành lập đơn vị hành chính đô thị.

4. Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân về các đề án liên quan đến thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó xác định rõ chủ thể quyết định việc lấy ý kiến nhân dân và đối tượng được lấy ý kiến.

5. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương rà soát các khu vực có tranh chấp về địa giới hành chính do lịch sử để lại; chủ động xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, bảo đảm sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương có liên quan. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc dẫn đến phải điều chỉnh địa giới hành chính thì Chính phủ cần xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

6. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật trong việc chuẩn bị hồ sơ, dự kiến chương trình, kế hoạch trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Hồ sơ đề án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được lập theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và phải kèm theo tổng hợp ý kiến, kết quả biểu quyết của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính có liên quan, của hội đồng thẩm định và của các thành viên Chính phủ. Đối với vấn đề cần báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì trong hồ sơ phải có ý kiến của cấp ủy địa phương.

7. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ về địa giới hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời ghi nhận, tổng hợp ý kiến kiến nghị, phản ánh của nhân dân, các cơ quan hữu quan và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất pháp luật. Trường hợp thật cần thiết, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan thuộc thẩm quyền để thực hiện tốt công tác địa giới hành chính theo đúng chủ trương của Trung ương.

8. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến địa giới hành chính.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thành viên UBTVQH;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ủy ban Pháp luật của QH;
- Lưu: HC, PL.
Số e- PAS: 28349

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Uông Chu Lưu

 

 

1