Loading


Công văn 3722/LĐTBXH-ATLĐ năm 2021 về tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động thích ứng với tình hình dịch Covid-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 3722/LĐTBXH-ATLĐ
Ngày ban hành 22/10/2021
Ngày có hiệu lực 22/10/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3722/LĐTBXH-ATLĐ
V/v tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động thích ứng với tình hình dịch Covid-19

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

- Tng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng của nước ta. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất bị đình trệ, người lao động nghỉ việc dài ngày dẫn đến các kỹ năng, thói quen làm việc an toàn không được duy trì; bên cạnh đó, sức ép về việc hoàn thành kế hoạch sản xuất, đơn hàng cũng là nguyên nhân dễ xảy ra tai nạn lao động (Điển hình như: vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng ngày 14/5/2020 do sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần AV Healthcare tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm 10 người chết và 15 người bị thương; vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng ngày 12/10/2021 tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, thuộc Cụm Công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, làm 03 người chết, 06 người bị thương). Do đó, công tác quản lý việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngay sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng làm thiệt hại cả về người và tài sản của doanh nghiệp.

Đkịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp trong tình hình mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai tốt các nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:

- Ưu tiên nguồn lực cho công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động (bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), cải thiện điều kiện lao động nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Công khai thông báo các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc.

- Tập trung điều tra, xử lý nghiêm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

+ Dự báo tình hình an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động.

4. Tng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

Đề nghị các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ

(để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ (phối hợp);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thanh tra Bộ, Cục ATLĐ;
- TTTT (để đăng Cổng thông tin của Bộ);
- Lưu: VT, ATLĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Thanh

 

1