Loading


Công văn 39/TANDTC-TCCB năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 39/TANDTC-TCCB
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/TANDTC-TCCB
V/v trả lời kiến nghị của cử tri

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.

Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023 với nội dung:

“1. Kiến nghị xem xét nâng phụ cấp chức vụ của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh (trưởng phòng: 0,65; phó phòng: 0,5), để đảm bảo sự hài hòa giữa hai ngành Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân.

2. Kiến nghị cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, gắn với tiêu chuẩn từng chức danh cụ thể trong bảng lương; bổ sung quy định mới các chế độ phụ cấp ngoài lương theo ngạch, bậc, theo cấp bậc chuyên môn, tương xứng với vị trí và tính đặc thù hoạt động của Tòa án nhân dân”.

Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của Tòa án nhân dân. Về nội dung kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, phản ánh của các cử tri và Đại biểu Quốc hội nên các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức Tòa án nhân dân đã từng bước được bổ sung. Tuy nhiên, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ, công chức Tòa án hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác Tòa án, chưa tạo sức thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan Tòa án.

Theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát”, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ bằng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ bằng Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Chánh tòa thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ bằng Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Phó Chánh tòa thuộc Tòa án nhân dân cấp cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ bằng Phó Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh do không được quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 nêu trên, nên hiện nay đang áp dụng hệ số phụ cấp chức vụ tương đương với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh1.

Nhận thức được sự không đồng bộ nêu trên, khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương Nhà nước về đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức Tòa án nhân dân theo hướng những công chức giữ chức danh tư pháp có những ưu tiên và đặc thù so với công chức hành chính.

Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó có những nội dung đề xuất đổi mới về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp và cơ chế bảo đảm để đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án yên tâm công tác. Dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2024. Sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua, Nhà nước ban hành quy định mới về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức Tòa án nói riêng, Tòa án nhân dân tối cao sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Trên đây là ý kiến trả lời của Tòa án nhân dân tối cao gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận. Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội đối với công tác Tòa án để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội);
- Văn phòng TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng văn bản);
- Lưu: VT, Vụ TCCB (P1).

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

 



1 Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ “về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”, Trưởng phòng Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ là 0,60 (đối với Đô thị loại đặc biệt, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc 0,50 (đối với Đô thị loại I và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương còn lại); tương ứng, Phó Trưởng phòng Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ là 0,40 hoặc 0,30.

1