Loading


Công văn 4114/TCT-DNL năm 2014 về kê khai, khấu trừ, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với condensate trong nước sử dụng để sản xuất đồng thời ra xăng, naphta, dầu và các dung môi hóa dầu do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 4114/TCT-DNL
Ngày ban hành 23/09/2014
Ngày có hiệu lực 23/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4114/TCT-DNL
V/v: chính sách thuế TTĐB đối với condensate

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh;
- Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp Hồ Chí Minh;
- Công ty cổ phần Dầu khí Mê Kông.

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1490/CV-DK-TCKT ngày 08/7/2014 của Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về kê khai, khấu trừ, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với condensate trong nước sử dụng để sản xuất đồng thời ra xăng, naphta, dầu và các dung môi hóa dầu.

Về vấn đề này, sau khi báo cáo và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại Điều 8 Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khấu trừ thuế TTĐB có quy định: “Trường hợp người nộp thuế sản xuất đồng thời ra xăng, dầu và các dung môi hóa dầu bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra.”

- Tại khoản 4(c) Điều 7 Thông tư 05/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế TTĐB:

“c) Hoàn thuế trong trường hợp có số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp lớn hơn số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo quy định.

Thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế TTĐB theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.”

- Tại khoản 1(b) Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, đã có hướng dẫn xác định số tiền thuế được coi là nộp thừa khi: “Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp nêu tại điểm a khoản này).”

- Tại khoản 2 Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xử lý tiền thuế nộp thừa: “Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:

a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).

b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.

c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này.”

- Tại Điều 57 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hoàn các loại thuế, phí khác: “Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu kèm theo (nếu có).”

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty Saigon Petro mua trực tiếp condensate từ các nhà sản xuất trong nước để sản xuất đồng thời ra xăng/naphta, dầu và các dung môi hóa dầu, Công ty Saigon Petro thực hiện trả tiền mua condensate theo giá mua đã bao gồm thuế TTĐB thì khi xác định số thuế TTĐB phải nộp của mặt hàng xăng, naphta, Công ty Saigon Petro được khấu trừ số thuế TTĐB tương ứng với số thuế TTĐB của condensate mà Công ty đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra (xăng/naphta, dầu, dung môi) nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế TTĐB được quy định tại Điều 8 Thông tư số 05/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp số thuế TTĐB mà Công ty Saigon Petro đã trả khi mua condensate để sử dụng sản xuất hàng hóa bán ra (xăng/naphta, dầu, dung môi) chưa được khấu trừ hết thì được chuyển tiếp sang kỳ sau để khấu trừ. Nếu quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số thuế TTĐB nộp thừa mà Saigon Petro vẫn còn số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết thì Công ty gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điều 57 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra trước hoàn đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế TTĐB của Công ty Saigon Petro và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Dầu khí Mê Kông biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Cục Thuế Tp Cần Thơ;
- Vụ CST, PC-BTC;
- Vụ CS, KK, PC-TCT;
- Lưu: VT, DNL(2b
)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

 

 

7