Loading


Công văn 5589/BTTTT-VP năm 2022 về tăng cường các biện pháp chế tài, mức phạt tăng thêm cho các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 5589/BTTTT-VP
Ngày ban hành 15/11/2022
Ngày có hiệu lực 15/11/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thanh Lâm
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5589/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Cần thơ

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2022

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được công văn số 7615/VPCP- QHĐP ngày 11/11/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ, trong đó có 01 kiến nghị của cử tri Lưu Trần Việt Trinh, cử tri phường Cái Khế, quận Ninh Kiều thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:

“Gần đây có 02 sự việc phản cảm trong trò chơi Team building xảy ra ở Quảng Ninh gây bức xúc trong dư luận, bên cạnh đó thì việc các clip sử dụng những từ ngữ thô tục, có lối sống tiêu cực rất nhiều trên các trang mạng. Làm ảnh hưởng đến giới trẻ. Xin hỏi việc quản lý môi trường văn hóa mạng như thế nào? Các biện pháp chế tài có còn phù hợp hay không? Đề nghị tăng cường các biện pháp chế tài, mức phạt tăng thêm cho các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Qua rà quét, phân tích đánh giá các xu hướng thông tin trên môi trường mạng, Bộ TTTT đã nhận thấy trong thời gian gần đây trên một số mạng xã hội nước ngoài như Youtube, Facebook, Tiktok có nhiều Clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, câu view (lượt xem), cổ súy cho lối sống thiếu văn hóa, lệch chuẩn chạy theo thị hiếu tầm thường dẫn tới lệch lạc về nhận thức văn hóa của giới trẻ, ảnh hưởng đến hệ giá trị văn hóa của dân tộc.

* Việc quản lý môi trường văn hóa mạng như thế nào?

Bộ TTTT đã và đang triển khai các giải pháp sau để tăng cường quản lý môi trường văn hóa mạng, cụ thể:

- Chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn thông tin xấu, độc, các vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc, trong đó nổi bật là việc thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát Không gian mạng Quốc gia có chức năng là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước, với khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các bộ, ngành địa phương sử dụng.

- Chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ TTTT kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế... buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video clip kiếm tiền, cụ thể: (1) Google: ngừng chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của Bộ TTTT; ngăn chặn, gỡ bỏ kênh Youtube vi phạm; Bổ sung bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để ngăn chặn, gỡ bỏ…(2) Facebook đã ngăn chặn fanpage, group nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê,...(3) TikTok đã gỡ bỏ các tài khoản như: Sắc Màu Sống, The Anh…

- Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xử lý quyết liệt các trường hợp người dùng trong nước, đặc biệt là các nghệ sỹ, KOL (Key Opinion Leader hay còn gọi là “người có sức ảnh hưởng”) phát ngôn lệch chuẩn, đăng tải sản phẩm biểu diễn tác động tiêu cực tới giới trẻ hay các nội dung nhảm nhí, thiếu tính giáo dục (Sơn Tùng MTP, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng…); hoặc các chủ kênh có nhiều lượt theo dõi (Youtube Hoàng Anh-Timmy tại thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương, kênh Huấn Hoa Hồng….). Trong thời gian tới Bộ TTTT tăng cường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ…) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử theo hướng: cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng (hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên Đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội)).

- Bộ TTTT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội. Đây là bộ quy tắc khung để các bộ, ngành, các trường học, địa phương ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên mạng phù hợp theo các quy chế hoạt động riêng của từng cơ quan, đơn vị.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng…

* Các biện pháp chế tài có còn phù hợp hay không?

Hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc” đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Bộ TTTT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ (Thanh tra Bộ; Cục PTTH&TTĐT) phối hợp chặt chẽ với các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.

Từ năm 2021 đến hết quý III năm 2022, Thanh tra Bộ, Cục PTTH&TTĐT và các Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 141 vụ, thanh tra 10 vụ, ban hành 589 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền phạt 5.999.150.000 đồng.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thực hiện một số giải pháp đồng bộ, cụ thể như sau:

Giải pháp về xây dựng chính sách:

Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý Internet, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội theo hướng quy định, phân loại rõ các hành vi bị cấm, nhất là các hành vi chia sẻ, phát tán thông tin vi phạm; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng; thúc đẩy cơ chế xử lý thông qua hoạt động xét xử của tòa án đối với các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Giải pháp về tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra:

- Tiếp tục mở rộng và phát huy hiệu quả của các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin điện tử, tập trung vào các cơ chế phản ánh của cộng đồng, thông qua các diễn đàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và đặc biệt là phát huy tinh thần chủ động, tích cực của các cơ quan quản lý tại địa phương để nhanh chóng phân tích, tìm kiếm và xác định được đối tượng cung cấp thông tin vi phạm trên mạng, từ đó sẽ phân loại đối tượng để có các biện pháp xử lý kịp thời phù hợp, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp bổ sung khác như yêu cầu đính chính, xin lỗi, gỡ bỏ thông tin vi phạm, đánh giá cán bộ, công chức khi đăng tải thông tin vi phạm lên mạng, …

- Tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.

- Nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử; tăng cường hướng dẫn, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan xử lý hoạt động sai phạm về lĩnh vực thông tin điện tử:

+ Nâng cao năng lực phát hiện, đánh giá, thẩm định và xử lý nội dung sai phạm; tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về số lượng và trình độ chuyên môn; nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách.

+ Xây dựng công cụ lưu trữ, quản lý, giám sát thông tin điện tử sai phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng:

- Do tính mở của công nghệ, tính hai mặt của thông tin trên Internet và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên Internet, các giải pháp quản lý thông tin trên mạng phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của Internet; các biện pháp cấm đoán cực đoan bằng hành chính và kỹ thuật chỉ có hiệu quả hạn chế. Vì vậy, chính sách quản lý cần phải kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục; trong đó tuyên truyền giáo dục đóng vai trò chủ đạo để người dân (nhất là những người yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, …) từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích; nhóm giải pháp kỹ thuật phải xây dựng các giải pháp công cụ, phần mềm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các nội dung không phù hợp với từng đối tượng.

[...]
3