Loading


Công văn 6929/BGTVT-ATGT năm 2012 tăng cường biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mùa mưa bão do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 6929/BGTVT-ATGT
Ngày ban hành 21/08/2012
Ngày có hiệu lực 21/08/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Mạnh Hùng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6929/BGTVT-AGVT
V/v: tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mùa mưa bão

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2012

 

Kính gửi:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ngày 02 tháng 8 năm 2012 về việc “tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mùa mưa bão” (tại Thông báo số 128/TB-VP ngày 06 tháng 8 năm 2012 của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tập trung chỉ đạo, thực hiện ngay một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải:

- Đối với đường bộ: chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng ôtô hoạt động trên địa bàn quản lý phải thường xuyên duy t chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các điều kiện về an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Nghiêm cấm việc chạy theo lợi nhuận đưa phương tiện không đủ điều kiện an toàn vào sử dụng.

Tổ chức giám sát thường xuyên, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; đặc biệt là các quy định về an toàn phương tiện, thời gian lái xe, không sử dụng rượu bia, chở đúng số người, chở đúng trọng tải, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, ... Đình chỉ hoạt động ngay tại bến đối với xe ôtô chở khách, người điều khiển xe ôtô khách không đủ điều kiện an toàn vận tải đường bộ.

- Đối với đường sắt: tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an ninh ở các nhà ga, tổ chức tốt việc bán vé và hướng dẫn cho người đi tàu; quán triệt đến các trưởng tàu, lái tàu chấp hành các quy định về tốc độ chạy tàu và không được phép sử dụng rượu bia trong suốt thời gian hành trình chạy tàu; đồng thời, chỉ đạo lực lượng bảo vệ trên tàu thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh trên tàu.

- Đối với đường thủy nội địa: chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động chở khách trên đường thủy nội địa; rà soát, kiên quyết đình chỉ hoạt động của bến, đò ngang không đủ điều kiện an toàn (như: bến hoạt động trái phép; đò ngang chưa đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ phao cứu sinh; người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, không thực hiện việc hướng dẫn sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho người đi đò, chở quá số người trên đò...); hạn chế tối đa việc vận chuyển người trên sông trong thời gian nước sông lên cao, chảy xiết; thực hiện giảm tải mùa lũ đối với các phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng. Ở các bến khách ngang sông có mật độ khách cao, địa bàn phức tạp cần đề nghị chính quyền địa phương cử cán bộ trực hướng dẫn và giám sát việc bảo đảm an toàn giao thông.

2. Tăng cường các điều kiện bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông:

- Đối với đường bộ: chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ, xử lý các điểm đem mất an toàn giao thông, bổ sung biển báo, thiết bị phụ trợ bảo đảm an toàn giao thông; có các hình thức phù hợp để cảnh báo, chỉ dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông tới các tuyến tránh ngập lụt; lập các Tổ công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm thuộc phạm vi quản lý để xử lý kịp thời những yếu tố gây mất an toàn giao thông liên quan đến tình trạng của cầu, đường. Có phương án dự phòng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng chủ động tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông và giải quyết các sự cố, tình huống phát sinh, đặc biệt là các sự cố, tình huống do tai nạn giao thông hoặc bão, lụt gây ra.

Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công các dự án trên các đoạn, tuyến quốc lộ đang nâng cấp, cải tạo thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo quy định; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang thi công; đối với các công trình gây ảnh hưởng đến đi lại trong mùa mưa bão, phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông tại từng khu vực thi công trong suốt mùa mưa, bão. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do không chấp hành đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.

- Đối với đường sắt: chỉ đạo các đơn vị quản lý đường sắt tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn giao thông tại các đường ngang không có rào chắn, người gác, tầm nhìn bị hạn chế như: lắp đặt gương cầu lồi, đèn tín hiệu nháy theo chu kỳ; làm gờ giảm tốc trên đường bộ giao cắt đường sắt kèm theo biển cảnh báo từ xa “Dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường sắt; mở rộng tầm nhìn đường ngang; đề nghị địa phương có đường sắt đi qua phối hợp, giúp đỡ tổ chức cảnh giới vào các giờ cao điểm tại các đường ngang không có người gác mà lưu lượng phương tiện qua lại cao. Kiên quyết không để tái lập và phát sinh thêm những đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Có phương án dự phòng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết ở những đoạn, tuyến đường sắt sung yếu để sẵn sàng chủ động giải quyết các sự cố, tình huống phát sinh, đặc biệt là các sự cố do bão, lụt gây ra.

- Đối với đường thủy nội địa: chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy nội địa thường xuyên rà soát để bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời hệ thống báo hiệu đường thủy; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi tại các khu vực cầu vượt sông có tỉnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp và trên các đoạn tuyến sông có mật độ phương tiện thủy tham gia giao thông cao.

3. Tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành và tham gia phối hợp với các cơ quan có chức năng tuần tra, kiểm soát:

Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải toàn quốc ngoài việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị mình, cần chủ động phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, chính quyền địa phương,... tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tuyến sông trọng điểm, tại các đầu mối giao thông như nhà ga, bến tàu, bến xe, bến thủy nội địa, các điểm dừng, đón trả khách trên đường. Chú trọng kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như: chở hàng hóa quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của phương tiện, cầu đường; chở quá số người quy định; đón, trả hành khách không đúng nơi quy định; điều khiển phương tiện quá thời gian quy định; hoạt động vận tải không đủ điều kiện; điều khiển xe ôtô sử dụng rượu, bia; không thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác.

4. Tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các Đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông đã được phê duyệt như: đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông”; đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường”; đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải”; đề án “Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2010 .

5. Các Sở Giao thông vận tải: chủ động tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các nội dung nêu tại văn bản này.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch UBATGTQG (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Công an;
- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW;
- Văn phòng
UBATGTQG;
- Các Vụ: VT, PC, TCCB, KHCN, KCHTGT, Thanh tra Bộ;
- Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN Bộ GTVT;
- Tổng Công ty Đường sắt VN (để thực hiện);
- Lưu: VT, ATGT(3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ