Loading


Công văn 735A/TANDTC-TCCB năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 735A/TANDTC-TCCB
Ngày ban hành 11/08/2023
Ngày có hiệu lực 11/08/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 735A/TANDTC-TCCB
V/v trả lời kiến nghị của cử tri

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023 với những nội dung như sau: (1) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và để phù hợp với luật pháp quốc tế; (2) Đề nghị sửa đổi, bổ sung và nâng mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa tại Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của Tòa án nhân dân. Về các nội dung kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:

1. Về việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án đã đề ra nhiều nhiệm vụ mới cho Tòa án, đặt ra yêu cầu phải thể chế đầy đủ, đúng đắn, toàn diện quan điểm của Đảng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án. Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế so phát triển mạnh mẽ”; “Các Tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”. Các chủ trương lớn nêu trên là những định hướng, chỉ đạo quan trọng, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh các năm 2023 và 2024, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là dự án Luật). Quá trình xây dựng dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; tham khảo các kinh nghiệm quốc tế và tổ chức lấy ý kiến trong toàn hệ thống Tòa án nhiều lần đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), cụ thể: Tổ chức hội nghị Chánh án toàn quốc để bàn về nội dung và những định hướng lớn của dự thảo Luật; tổ chức hội nghị tại các vùng miền để các Tòa án, cơ quan hữu quan tham gia góp ý; lấy ý kiến của thành viên Ban cán sự đảng, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, đăng hồ sơ dự án Luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý. Sau khi có ý kiến Chính phủ, bộ, ngành hữu quan đối với hồ sơ dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và gửi hồ sơ dự án Luật đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

2. Về việc nâng mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa tại Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự.

Kể từ khi Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ép hiệu lực (từ ngày 01/01/2013), qua 10 năm với nhiều lần Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở (từ 1.050.000đ của năm 2012 lên 1.800.000đ như hiện nay, tăng 71,4%) nhưng mức chi bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự không thay đổi. Tòa án nhân dân tối cao đã nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và nâng định mức bồi dưỡng cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”. Vì vậy, việc sửa đổi Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg chưa được xem xét, tiến hành trong thời gian qua.

Hiện nay, theo chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tòa án nhân dân tối cao được giao chủ trì xây dựng Pháp lệnh về chi phí tố tụng. Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan để đưa vấn đề về chế độ bồi dưỡng của Hội thẩm nhân dân vào trong nội dung xây dựng Pháp lệnh trên. Theo kế hoạch, Pháp lệnh về chi phí tố tụng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Trên đây là nội dung trả lời của Tòa án nhân dân tối cao gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội đối với công tác Tòa án để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng TANDTC;
- Lưu: VT, Vụ TCCB.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

 

3