Loading


Công văn 767/NHCS-TD-KH-CNTT năm 2009 vướng mắc sau hội nghị tập huấn nghiệp vụ tháng 3/2009 do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

Số hiệu 767/NHCS-TD-KH-CNTT
Ngày ban hành 09/04/2009
Ngày có hiệu lực 09/04/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Văn Lý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 767/NHCS-TD-KH-CNTT
V/v: về một số vướng mắc sau hội nghị tập huấn nghiệp vụ tháng 3/2009

Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2009

 

Kính gửi: Ông (bà) Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố

Sau Hội nghị tập huấn nghiệp vụ năm 2009 diễn ra tại 12 khu vực trên toàn quốc trong tháng 3/2009, Hội sở chính đã tổng hợp các ý kiến vướng mắc tại các lớp tập huấn. Để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện tốt nội dung các văn bản hướng dẫn, Tổng giám đốc NHCSXH có bổ sung sửa đổi và nêu rõ một số vấn đề sau đây:

I. Về hướng dẫn cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Văn bản số 234/NHCS-TD ngày 17/02/2009.

1. Về đối tượng được vay vốn:

Theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008, Danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở do UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, tại Thông báo số 57/TB-VPCP ngày 23/2/2009 của Văn phòng Chính phủ “Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo thì Danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở được giao cho UBND huyện phê duyệt (UBND huyện tổng hợp Danh sách báo cáo UBND tỉnh).

Vì vậy để thống nhất thực hiện, Danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở do UBND tỉnh hoặc UBND huyện phê duyệt đều là cơ sở pháp lý để Ngân hàng cho vay theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

2. Trường hợp người có tên trong Danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không phải chủ hộ và không trùng với tên chủ hộ đã đứng vay trong Sổ vay vốn (hộ đã vay vốn NHCSXH) thì đề nghị UBND cấp xã xác nhận quan hệ của người đề nghị vay vốn làm nhà ở là vợ, chồng, bố, mẹ... của chủ hộ đang trong cùng hộ khẩu của gia đình. Người đứng tên vay vốn phải là chủ hộ gia đình.

3. Tiền vay phải được sử dụng đúng mục đích làm nhà ở. Mặt trận Tổ quốc cùng với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát và kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Ngân hàng nơi cho vay có trách nhiệm đôn đốc các tổ chức Hội thực hiện nội dung kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Hợp đồng dịch vụ ủy thác. Nếu phát hiện người vay sử dụng vốn vay sai mục đích (không sử dụng tiền vay vào làm nhà ở) thì Ngân hàng đề nghị tổ chức Hội cùng chính quyền địa phương lập Biên bản yêu cầu người vay phải trả nợ trước hạn.

4. Trường hợp, hộ thuộc đối tượng được vay làm nhà ở có nợ quá hạn theo các chương trình khác của NHCSXH, thì vẫn thực hiện cho vay làm nhà ở bình thường như các trường hợp khác.

II. Về hướng dẫn quy trình phát hành Sổ vay vốn và phát hành Biên lai thu lãi tiền vay theo văn bản số 243/NHCS-TD ngày 18/02/2009.

1. Chủ trương là từ nay trở đi, tất cả các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng của NHCSXH đều phải sử dụng chung một loại Giấy nhận nợ (kể cả vay từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương).

Các đơn vị Ngân hàng sau khi hoàn thành việc đổi Sổ vay vốn cho các hộ gia đình thuộc Tổ TK&VV sẽ tiến hành đổi Sổ vay vốn cho các hộ gia đình vay trực tiếp như là các hộ vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ trên 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc học sinh, sinh viên vay trực tiếp tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở... Việc đổi Sổ đối với các đối tượng vay trực tiếp, Tổng giám đốc sẽ có văn bản hướng dẫn sau.

2. Đối với nhóm hộ gia đình vay vốn chương trình giải quyết việc làm thuộc kênh Liên đoàn lao động, Liên minh HTX, Hội Người mù, Bộ Quốc phòng nếu nhóm hộ được NHCSXH ủy nhiệm thu lãi cũng áp dụng Biên lai thu lãi theo hướng dẫn 243/NHCS-TD.

3. Trường hợp, hộ vay mất tích và người vay chết mà không còn người thừa kế hoặc người thừa kế hoàn toàn không có khả năng trả nợ thì không đổi sổ vay vốn, NHCSXH nơi cho vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định hiện hành.

4. Người thừa kế đã đăng ký chữ ký trên Sổ vay vốn, khi đi nhận tiền vay thay cho người vay thì vẫn phải có Giấy ủy quyền, có xác nhận của UBND cấp xã, kể cả trường hợp đề nghị cho gia hạn nợ, cho vay lưu vụ.

Trường hợp thay đổi chủ hộ đứng tên vay vốn do người vay chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thì được thay thế bằng người thừa kế có tên trong Sổ vay vốn hoặc một thành niên khác trong hộ gia đình. Người được thay thế chủ hộ mang Sổ vay vốn đến điểm giao dịch của Ngân hàng để khai báo các thông tin bổ sung để Ngân hàng ghi vào “Phần ghi bổ sung hàng năm khi có thay đổi” trong Sổ vay vốn (cả Sổ dùng cho hộ gia đình và Sổ Ngân hàng lưu giữ) có sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ TK&VV.

5. Đối với hộ độc thân vay vốn đi xuất khẩu lao động thì thực hiện đổi Sổ vay vốn khi người lao động về nước.

6. Khi Tổ trưởng Tổ TK&VV nộp tiền lãi, NHCSXH lập Bảng kê thu lãi theo mẫu số 12/TD đính kèm văn bản này thay thế cho Bảng kê các khoản thu theo mẫu số 12/TD đính kèm văn bản 1030/NHCS-TD ngày 08/6/2007 (có chương trình tin học hỗ trợ in Bảng kê này).

7. Do đặc thù NHCSXH bố trí giao dịch phục vụ người vay tại xã theo lịch cố định một tháng một lần nên việc tính lãi và chuyển nợ quá hạn đối với trường hợp người vay có nợ đến hạn trong tháng trước ngày giao dịch cố định tại xã được thực hiện như sau:

- Nếu người vay trả nợ gốc vào ngày giao dịch cố định trong tháng đến hạn thì Ngân hàng không chuyển nợ quá hạn và không tính lãi nợ quá hạn từ ngày đến hạn đến ngày giao dịch cố định tại xã.

- Nếu người vay không trả nợ gốc vào đúng ngày giao dịch cố định trong tháng đến hạn thì Ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn, thời gian chuyển nợ quá hạn tính từ ngày đến hạn trả nợ cuối cùng đã ghi trên Giấy nhận nợ (trừ trường hợp được cho gia hạn nợ hoặc cho vay lưu vụ).

III. Về hướng dẫn nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Văn bản số 244NHCS-KH ngày 18/02/2009.

1. Để thuận tiện cho Tổ trưởng Tổ TK&VV trong việc rút tiền gửi tiết kiệm chi trả cho tổ viên, Tổng giám đốc ban hành mẫu Danh sách tổ viên đề nghị rút tiền (theo mẫu số 04/TK đính kèm văn bản này). Mẫu 04/TK được Ngân hàng in phát cho Tổ trưởng.

2. Khi Tổ TK&VV thay đổi người đại diện, NHCSXH căn cứ Biên bản họp Tổ (mẫu số 10/TD) để hướng dẫn người đại diện mới của Tổ TK&VV đăng ký chữ ký mẫu trên Phiếu lưu tại Ngân hàng (theo mẫu đính kèm văn bản này thay thế mẫu Phiếu lưu đính kèm văn bản số 244/NHCS-KH).

3. Đối với các Tổ TK&VV hiện đang có số dư tiền gửi tiết kiệm huy động từ tổ viên: yêu cầu các đơn vị Ngân hàng có kế hoạch củng cố Tổ TK&VV để tiếp tục thực hiện ủy nhiệm thu tiết kiệm theo quy định tại văn bản số 244/NHCS-KH ngày 18/02/2009 của Tổng giám đốc (kể cả các Tổ đang thực hiện huy động tiết kiệm theo Dự án Ford). Cán bộ Ngân hàng cùng với Tổ trưởng Tổ TK&VV căn cứ số dư tiền gửi tiết kiệm của Tổ tại ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên trên Sổ theo dõi cho vay - thu nợ - thu lãi của thành viên (mẫu số 13/TD cũ) và trên Sổ TK&VV của tổ viên để đối chiếu, xác nhận số dư của từng người gửi. Tổ trưởng Tổ TK&VV ghi số dư tiền gửi tiết kiệm vào Phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm cho từng tổ viên, đồng thời ghi số dư tiền gửi của từng tổ viên vào cột 4 “Số dư kỳ trước” và lấy chữ ký xác nhận của tổ viên vào cột 8 trên Bảng kê thu, chi tiền gửi tiết kiệm mẫu 01/TK. Tổ TK&VV gửi Ngân hàng Bảng kê 01/TK để Ngân hàng làm căn cứ theo dõi tiền gửi tiết kiệm của từng tổ viên. Ngân hàng thực hiện đổi Sổ Tiết kiệm mới cho Tổ trưởng Tổ TK&VV và ký bổ sung Hợp đồng ủy nhiệm với Tổ TK&VV, trong đó phần chi trả hoa hồng thu tiết kiệm là 0,1% tháng tính trên tích số số dư hàng tháng tiền gửi tiết kiệm của Tổ kể từ ngày đổi Sổ tiết kiệm.

4. Khi thực hiện đổi Sổ vay vốn, người vay có nhu cầu rút hết tiền tiết kiệm cũ, ngân hàng nơi nhận tiền gửi cho người vay rút tiền theo đề nghị của người vay hoặc để hoàn trả nợ, trả lãi ngân hàng.

5. Trường hợp Phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm của tổ viên bị mất, bị hỏng, ngân hàng hướng dẫn Tổ trưởng Tổ TK&VV cấp lại Phiếu mới cho tổ viên và ghi trên Phiếu theo dõi tiền gửi cấp lại lần 2.

Cột 5 “Chữ ký người nhận tiền” trên Phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm của tổ viên được thay bằng “Chữ ký Tổ trưởng” (theo mẫu đính kèm).

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ