Loading


Công văn 9021/VPCP-KTTH về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 9021/VPCP-KTTH
Ngày ban hành 29/10/2020
Ngày có hiệu lực 29/10/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9021/VPCP-KTTH
V/v kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Tài chính lại văn bản số 187/BTC-QLG ngày 13 tháng 10 năm 2020 về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng công tác điều hành giá 3 tháng còn lại năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá có ý kiến như sau:

1. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các biện pháp:

a) Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao và dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.

b) Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa giữa các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ về các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng sớm hồi phục. Kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 ở mức dưới 3%.

c) Kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

d) Chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá cũng như công tác quản lý điều hành giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay; đồng thời, chú trọng rà soát các nội dung còn chồng chéo, vướng mắc, chưa thống nhất về cơ chế quản lý điều hành, phân công, phân cấp, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, phối hợp trong việc triển khai Luật giá với các Luật chuyên ngành.

e) Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt các biện pháp trong công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường tái đàn, nhập khẩu thịt lợn và lợn sống để đảm bảo nguồn cung; đồng thời kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, phân phối, giảm thiểu các khâu trung gian, hoàn thiện hệ thống phân phối qua đó góp phần bình ổn thị trường thịt lợn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai tốt các chương trình bình ổn thị trường để tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức hợp lý.

2. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để thực hiện điều hành giá bán trong nước phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

3. Bộ Giao thông vận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức đánh giá Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03 tháng 5 năm 2019 quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa; trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét, quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát cả năm 2020.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết việc triển khai xã hội hóa sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, từ đó đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, đánh giá tổng thể việc thi hành Luật Giá để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý giá nói chung trong đó có vấn đề quản lý giá sách giáo khoa.

5. Bộ Y tế khẩn trương triển khai việc tính đúng, tính đủ giá xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định, gửi Bộ Tài chính để ban hành giá tối đa (đối với xét nghiệm do Bộ Y tế đặt hàng) và công bố giá xét nghiệm do Bộ Y tế quy định theo thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Thông báo số 337/TB-VPCP ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Đối với giá vật tư y tế, tiếp tục tăng cường cập nhật, công khai kết quả trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đảm bảo công khai, minh bạch đến người dân và xã hội, nhất là thông tin về giá các mặt hàng phục vụ chống dịch Covid-19.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

7. Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện các nội dung trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo quý IV/2020.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- TTgCP, các PTTg;
- Thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, KTTH(2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

1