Loading


Công văn 25/BKHCN-ĐTG về góp ý Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 25/BKHCN-ĐTG
Ngày ban hành 10/01/2011
Ngày có hiệu lực 10/01/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 25/BKHCN-ĐTG
V/v góp ý Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030.

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Phúc đáp Công văn số 2616/BXD-VLXD ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Bộ Xây dựng, gửi kèm Báo cáo Quy hoạch, dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

1. Về cơ bản, Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất với bố cục và các nội dung nêu trong Báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Một số nội dung cần lưu ý:

- Về mục tiêu của Quy hoạch: Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam cần hướng đến đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm xi măng để đảm bảo cân đối nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, về chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời với việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Về định hướng phát triển: Ưu tiên phát triển các dự án xi măng tại các tỉnh phía Nam trong thời gian tới là hợp lý và tránh được sự mất cân đối về cung cầu xi măng giữa các vùng miền, giảm chi phí vận tải.

- Về hiện trạng ngành công nghiệp xi măng: Báo cáo đã phân tích, đánh giá chi tiết tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010, đánh giá được những việc đã làm được và những việc chưa thực hiện được ở giai đoạn Quy hoạch trước. Từ đó, đã đánh giá chung về kết quả và các tồn tại của toàn ngành công nghiệp xi măng trong giai đoạn đến năm 2010. Tuy nhiên, về số liệu cần chuẩn xác lại (trong Báo cáo Quy hoạch tại trang 27 nêu sản lượng xi măng năm 2010 là 52 triệu tấn, trong khi đó tại trang 29 lại nêu là 54 triệu tấn).

- Báo cáo Quy hoạch cần đưa thêm nội dung nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong phát triển ngành công nghiệp xi măng, các tiến bộ khoa học và công nghệ trong thời gian qua, xu hướng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xi măng của một số quốc gia có thế mạnh về sản xuất xi măng trong thời gian tới. Từ đó, có thể rút ra các bài học cần thiết cho việc định hướng phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.

- Hiện nay, ngành xi măng Việt Nam đang đối diện với “khủng hoảng thừa”, từ năm 2010 nguồn cung xi măng đã cao hơn cầu trong khi việc xuất khẩu xi măng đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo quan điểm đầu tư phát triển công nghiệp xi măng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần có quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục cấp phép đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất xi măng. Chỉ đầu tư các dự án xi măng có trong Quy hoạch đã được phê duyệt, đối với các dự án đã và đang xem xét thực hiện đầu tư, cần rà soát lại và chấm dứt đầu tư các dự án xi măng không đảm bảo tiến độ đầu tư, mục tiêu đầu tư không còn phù hợp hoặc các dự án tập trung quá nhiều ở một khu vực mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật không có khả năng đảm bảo đáp ứng được (như Hà Nam, Ninh Bình…) tránh gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên và tác động ảnh hưởng xấu tới môi trường.

- Về các giải pháp chính và tổ chức thực hiện: Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, trong thời gian tới để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thì cần phải chú trọng tới việc lựa chọn công nghệ, thiết bị sản xuất xi măng, tiếp thu và làm chủ các công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến, đảm bảo định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu ngang bằng các nước có ngành công nghiệp sản xuất xi măng hàng đầu thế giới nhằm nâng cao và ổn định chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần chú trọng đến việc nâng cao công nghệ khai thác, bảo vệ an toàn cho người lao động trong quá trình khai thác nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất xi măng.

Trên đây là ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ về Báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, đề nghị Bộ Xây dựng lưu ý các góp ý nêu trên trong quá trình tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Vụ ĐTG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ