Kế hoạch 01/KH-UBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2020
Số hiệu | 01/KH-UBND |
Ngày ban hành | 13/01/2020 |
Ngày có hiệu lực | 13/01/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Trà Vinh |
Người ký | Trần Anh Dũng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND |
Trà Vinh, ngày 13 tháng 01 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2020
Thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây viết tắt là Luật TNBTCNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (sau đây viết tắt là UBND tỉnh) ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (sau đây viết tắt là BTNN) trên địa bàn tỉnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CBCCVC) trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh TNBTCNN.
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi thiệt hại do CBCCVC trong thi hành công vụ gây ra được xem xét, giải quyết bồi thường kịp thời, đúng quy định pháp luật về BTCNN.
2. Yêu cầu:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương) thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả công tác BTNN tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất và đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo đảm tính khả thi, minh bạch, đúng quy định trong cơ chế quản lý và thực hiện TNBTCNN; theo dõi nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác BTNN nhất là việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp.
II. NỘI DUNG
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung về công tác BTNN cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo công chức, viên chức phụ trách pháp chế tại Sở, ngành tỉnh và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác BTNN tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN năm 2017 trong CBCCVC và Nhân dân bảo đảm đạt hiệu quả.
2. Thực hiện công tác BTNN theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
3. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả khi có vụ việc phát sinh; chủ động giải quyết dứt điểm không để kéo dài các vụ việc yêu cầu bồi thường mới phát sinh hoặc còn tồn đọng (nếu có) trong phạm vi quản lý.
4. Kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp có phát sinh vụ việc yêu cầu cơ quan nhà nước phải thực hiện trách nhiệm bồi thường.
5. Duy trì, ổn định đội ngũ công chức, viên chức được bố trí, phân công làm công tác BTNN; tạo điều kiện để công chức, viên chức tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác BTNN tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp: Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác BTNN và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác BTNN cho đội ngũ làm công tác BTNN của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tham mưu, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác bồi thường nói chung, trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói riêng, nhất là các quy định về tham gia giải quyết bồi thường, xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh cũng như quy định về xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp.
Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp, báo cáo hoặc trình UBND tỉnh báo cáo theo quy định.
2. Sở Tài chính: Tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành khi có phát sinh vụ việc yêu cầu cơ quan nhà nước phải thực hiện trách nhiệm bồi thường.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin, tuyên truyền về Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành đến người dân trên các phương tiện thông tin truyền thông.
4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNBTCNN trong hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự gắn với tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao làm nhiệm vụ về công tác BTNN trong hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự.
5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác BTNN trong năm 2020 tại Mục II Kế hoạch này; định kỳ gửi báo cáo đến Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo công tác BTNN theo quy định.