HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
25/2024/NQ-HĐND
|
Lạng Sơn, ngày 10
tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỨC ĐẦU TƯ,
HỖ TRỢ ĐẦU TƯ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ BA MƯƠI MỐT
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng
11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng
7 năm 2024 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng
5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT ngày 15
tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
một số định mức kinh tế - kỹ thuật về lâm nghiệp;
Xét Tờ trình số 267/TTr-UBND ngày 29 tháng 11
năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân
dân tỉnh quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa
bàn tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý
kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo
vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo quy định tại khoản 3 Điều
27 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính
sách đầu tư trong lâm nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 58/2024/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân,
cộng đồng dân cư có liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thuộc
đối tượng quy định tại khoản 1 các Điều 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 16, 19,
21, 22 và 23 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Điều 3. Mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ
rừng
1. Cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng
a) Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng
phòng hộ được Nhà nước cấp kinh phí (ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho
các hoạt động của bộ máy Ban Quản lý rừng) bảo vệ rừng tại các xã khu vực I là 150.000
đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện
tích rừng đặc dụng được giao.
b) Cộng đồng dân cư; các đối tượng theo quy định
tại khoản 2, 3, 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng
tại các xã khu vực I là 500.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là
600.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng đặc dụng được giao.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho
cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo
vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
2. Cấp kinh phí khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên,
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng
đặc dụng
a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: Đối với chủ
rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, mức kinh phí 1.000.000 đồng/ha/năm trong thời
gian 6 năm.
b) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng
bổ sung: Đối với chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, mức kinh phí 2.000.000 đồng/ha/năm
trong 3 năm đầu và 1.000.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoanh nuôi xúc
tiến tái sinh tự nhiên là 50.000 đồng/ha; chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự
toán được duyệt; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến
tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là
7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
3. Đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm
giàu rừng đặc dụng
Đối với chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư mức
đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh
được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Cấp kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ
a) Ban Quản lý rừng phòng hộ (ngoài kinh phí sự nghiệp
thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy Ban Quản lý); Doanh nghiệp nhà nước;
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; các đối tượng theo quy định tại khoản
3, khoản 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng tại
các xã khu vực I là 500.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 600.000
đồng/ha/năm.
b) Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp
xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh
phí bảo vệ rừng tại các xã khu vực I là 150.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực
II, III là 180.000 đồng/ha/năm.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra,
nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
5. Cấp kinh phí khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên,
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng
phòng hộ
a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: Đối với chủ
rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư mức kinh phí 1.000.000
đồng/ha/năm trong thời gian 6 năm.
b) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng
bổ sung: Đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
mức kinh phí 2.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1.000.000 đồng/ha/năm cho
3 năm tiếp theo.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoanh nuôi xúc
tiến tái sinh tự nhiên là 50.000 đồng/ha; chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự
toán được duyệt; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến
tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là
7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
6. Đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm
giàu rừng phòng hộ
Đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng
đồng dân cư mức đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công
trình lâm sinh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
7. Hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên
trong thời gian đóng cửa rừng
a) Ban Quản lý rừng đặc dụng; Ban Quản lý rừng
phòng hộ; Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa
cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng tại các xã khu vực I là 150.000
đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích
rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
b) Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao rừng
sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 01 tháng 01 năm 2019; Hộ gia đình, cá
nhân, cộng đồng dân cư; các đối tượng khác theo quy định tại khoản 2, khoản 3
Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng tại các xã khu
vực I là 500.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm
trên tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra,
nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
8. Hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có
trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng sản xuất là rừng tự nhiên
a) Đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình người
dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cá
nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống ổn định tại xã biên giới, hải đảo, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ,
mức hỗ trợ là 8.000.000 đồng/ha.
b) Chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc
tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự toán được duyệt;
kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên
có trồng bổ sung là 7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh
tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
9. Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển
lâm sản ngoài gỗ
Đối với chủ rừng là hộ gia đình người dân tộc Kinh thuộc
diện hộ nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư đang
sinh sống ổn định tại xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
a) Hỗ trợ một lần 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ để mua cây
giống, vật tư, phân bón đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo chu
kỳ kinh doanh của loài cây trồng.
b) Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm: 500.000 đồng/ha/4
năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc).
c) Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế; chi
phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu theo dự toán được duyệt.
10. Hỗ trợ kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng
bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
Đối với chủ rừng có rừng trồng sản xuất, trừ chủ
rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Hỗ trợ một lần xây dựng phương
án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tối đa 400.000 đồng/ha.
11. Khoán bảo vệ rừng
Đối với chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản
lý rừng phòng hộ, Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao rừng phòng hộ, Doanh
nghiệp nhà nước được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 01
tháng 01 năm 2019 ưu tiên thực hiện khoán bảo vệ rừng: Diện tích rừng tiếp giáp
khu dân cư cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người dân tộc
Kinh thuộc diện hộ nghèo tại xã khu vực II, III, hộ gia đình, cá nhân, cộng
đồng dân cư tại địa phương; diện tích rừng tiếp giáp với khu vực có nguy cơ cao
về xâm hại tài nguyên rừng, mức kinh phí khoán bảo vệ rừng cụ thể như sau:
a) Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng
hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách Nhà nước là 500.000 đồng/ha/năm.
Đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm.
b) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoán bảo vệ rừng
là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7%
trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
12. Trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng
Đối với hộ gia đình nghèo, hộ gia đình đồng bào dân
tộc thiểu số tại xã khu vực II và III thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến
tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát
triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng để thay đổi tập quán du canh du cư, thực hiện
trồng rừng thay thế nương rẫy và đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết
định thì mức trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng là: 15 kg gạo/khẩu/tháng
trong thời gian chưa tự túc được lương thực, thời gian trợ cấp nhưng tối đa 7 năm,
đảm bảo các nguyên tắc tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 21 Nghị định
58/2024/NĐ-CP.
13. Hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng
lâm nghiệp
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản
xuất giống cây trồng lâm nghiệp, mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư đối với một dự án
hoặc công trình: Xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng;
Xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao; Xây dựng vườn ươm
giống theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt nhưng tối đa theo mức quy
định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều 22 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
b) Tối đa 55.000.000 đồng/ha đối với xây dựng rừng giống
trồng mới có diện tích từ 2,0 ha trở lên, vườn giống trồng mới có diện tích từ
1,0 ha trở lên; tối đa 25.000.000 đồng/ha đối với xây dựng rừng giống chuyển
hóa có diện tích từ 1,0 ha trở lên, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng có diện tích
từ 500 m2 trở lên.
c) Tối đa 5.000.000.000 đồng đối với một dự án hoặc
công trình xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao có quy mô sản
xuất tối thiểu 1 triệu cây/năm.
d) Tối đa 300.000.000 đồng đối với một dự án hoặc công
trình xây dựng mới vườn ươm giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô
với diện tích đất xây dựng vườn ươm tối thiểu 0,5 ha.
14. Hỗ trợ trồng cây phân tán
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng
dân cư tham gia trồng cây phân tán, mức hỗ trợ là 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ
trồng cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha) để hỗ trợ mua cây giống, phân bón và
chi phí một phần nhân công trồng, chăm sóc; tổ chức các hoạt động quản lý, kiểm
tra, giám sát thực hiện trồng cây phân tán.
Điều 4. Nguồn kinh phí
Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn
vốn hợp pháp khác.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy
định.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này
thực hiện theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP và các chính sách hiện hành có liên
quan.
4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn
tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp
dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn
khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 kỳ họp thứ ba mươi mốt thông qua ngày 10 tháng 12
năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các bộ: NN&PTNT, Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn, Đài PTTH Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, HSKH
|
CHỦ TỊCH
Đoàn Thị Hậu
|