Loading


Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 28-NQ/TW
Ngày ban hành 16/06/2003
Ngày có hiệu lực 16/06/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CHÍNH TRỊ
*****

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM  
*******

Số: 28-NQ/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Nông, lâm trường quốc doanh được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở các vùng đất mới, phát triển sản xuất nông, lâm sản hàng hoá cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; làm trung tâm xây dựng một số vùng kinh tế mới, nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng xung yếu, khó khăn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong nông nghiệp, các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển đổi quan trọng cả về tổ chức quản lý và nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động. Nông, lâm trường quốc doanh đã có đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Nhiều nông, lâm trường đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.

Một số nông, lâm trường đã làm tốt vai trò trung tâm kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân trong vùng; thực hiện sản xuất, kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông, lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được một số mô hình mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều nông, lâm trường đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các tụ điểm văn hoá, trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ trên địa bàn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các nông, lâm trường còn những yếu kém sau đây:

Hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều; quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông trường xảy ra ở nhiều nơi. Chủ trương giao khoán đất đai, vườn cây, rừng ổn định lâu dài cho hộ thành viên chậm được thực hiện, hoặc thực hiện không đúng; một số nông, lâm trường đã khoán trắng cho người nhận khoán.

Việc chỉ đạo thí điểm bán vườn cây, đàn gia súc ở một số nơi thiếu chặt chẽ làm thất thoát tài sản của Nhà nước và của nông, lâm trường. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chậm được đổi mới, chủ yếu vẫn sử dụng giống cây, con cũ, giống đã thoái hoá; kỹ thuật canh tác, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cơ sở công nghiệp chế biến còn lạc hậu. Sản phẩm của nông, lâm trường chưa đa dạng, chất lượng còn thấp.

Sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, số nông, lâm trường làm ăn có lãi chưa nhiều, mức nộp ngân sách hàng năm ít, công nợ phải trả lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông, lâm trường xuống cấp nghiêm trọng. Đời sống cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn, việc đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên trong nông, lâm trường chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số nông trường chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với nông trường, ổn định sản xuất, đời sống. Bộ máy quản lý của các nông, lâm trường tuy có giảm nhiều so với trước, nhưng vẫn còn lớn, hiệu quả điều hành thấp.

Nguyên nhân của những yếu kém trên có phần do nông, lâm trường hoạt động trên những địa bàn khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất có nhiều rủi ro, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan sau:

1. Sự chỉ đạo của Chính phủ và các ngành, các cấp chưa tương xứng, chưa đủ cụ thể. Một thời gian dài thiếu quan tâm và buông lỏng chỉ đạo, thiếu kiên quyết khắc phục những thiếu sót, yếu kém. Một số chính sách của Nhà nước đối với nông, lâm trường không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung đồng bộ. Chưa làm rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích của nông, lâm trường, nên lúng túng trong tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý nông, lâm trường. Chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, nhân điển hình tiên tiến và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục yếu kém, khuyết điểm của nông, lâm trường.

2. Nhiều cấp uỷ đảng ở địa phương có nông, lâm trường chưa quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của nông, lâm trường; chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của nông, lâm trường nên chưa tập trung chỉ đạo, giúp đỡ nông, lâm trường đổi mới, phát triển. Tổ chức cơ sở đảng trong nông, lâm trường chưa làm tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

3. Các nông, lâm trường được xây dựng và tồn tại quá lâu trong cơ chế tập trung, bao cấp nên nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, cán bộ và công nhân ở nhiều nông, lâm trường còn biểu hiện thụ động, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không tích cực chuyển đổi nội dung và phương thức hoạt động theo cơ chế mới.

II- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

A- Mục tiêu, quan điểm

1. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải góp phần thực hiện tốt các chủ trương đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn: nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo.

2. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động và dân cư; làm điểm tựa cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải gắn với đổi mới về cơ chế quản lý theo hướng phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích. Nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh là chủ yếu thì phải chuyển hẳn sang sản xuất và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự hỗ trợ cần thiết và có điều kiện của Nhà nước. Những nông, lâm trường tuy đã chuyển sang kinh doanh nhưng còn phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ thích hợp. Nông, lâm trường được giao nhiệm vụ công ích là chủ yếu thì hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ích.

B- Phương hướng, nhiệm vụ

1. Nông trường

a) Những nông trường chuyên canh cây lâu năm (như cao su, cà phê, chè, cây ăn quả...), có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh cần tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả theo hướng: tập trung đầu tư thâm canh diện tích vườn cây đã trồng, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới (theo hướng huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia góp cổ phần) để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chỉ mở rộng thêm diện tích trồng mới khi có dự án thực sự hiệu quả; diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả thì chính quyền địa phương thu hồi để sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Những nông trường sản xuất cây hàng năm và chăn nuôi thì chuyển đổi theo hướng:

Nông trường chuyên canh mía, dứa, dâu tằm, bông, thuốc lá..., phải được tổ chức lại sản xuất gắn với cơ sở chế biến, đồng thời phải chuyển nhanh sang sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phục vụ nông trường và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Những nông trường sản xuất cây lương thực, cây hàng năm khác và chăn nuôi phải chuyển hẳn sang sản xuất giống và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho hộ nông dân sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới và tổ chức kinh doanh để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

c) Tiếp tục giữ lại hoặc thành lập mới những nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ cho định canh, định cư, an ninh - quốc phòng. Nông trường chỉ quản lý một diện tích đất phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến để phục vụ đồng bào trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng.

d) Chuyển sang loại hình sở hữu khác hoặc giải thể những nông trường nhiều năm làm ăn thua lỗ hoặc thu nhập dựa chủ yếu từ nguồn thu cho thuê đất, không có yêu cầu giữ lại.

[...]
4