Loading


Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2015 Phê duyệt danh mục Dự án “Đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải thuộc Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”, sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 569/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/04/2015
Ngày có hiệu lực 27/04/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 569/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LĨNH VỰC XỬ LÝ NƯỚC THẢI THUỘC CHƯƠNG TRÌNH ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO NGHỀ TẠI VIỆT NAM”, DO CHÍNH PHỦ ĐỨC TÀI TRỢ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 2092/BKHĐT-KTĐN ngày 13 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Đào tạo nghcho lĩnh vực xử lý nước thải thuộc Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”, sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức với các nội dung chính sau:

1. Cơ quan chủ quản: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Chủ Dự án: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ thành phố H Chí Minh.

2. Địa bàn thực hiện: Toàn quốc.

3. Thời gian thực hiện: 02 năm (2015-2017).

4. Các mục tiêu của Dự án:

- Mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ xây dựng mô hình đào tạo tổng hợp về xử lý chất thải, xem xét đánh giá để nhân rộng mô hình đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải phục vụ Chương trình hợp tác phát triển Việt - Đức trong lĩnh vực xử lý nước thải đang được thực hiện tại Việt Nam.

- Mục tiêu cụ thể: Xây dựng nội dung đào tạo và các yếu tố đầu vào cần thiết để thực hiện đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải tại cơ sở dạy nghề đã được lựa chọn nhằm cải thiện nguồn cung lao động tay nghề cao phù hợp nhu cầu ngành công nghiệp, đóng góp vào mục tiêu chung của “Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”.

5. Các kết quả chính của Dự án:

- Áp dụng thực hiện các quy định điều phối đào tạo hợp tác và trao đổi giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, các đối tác xã hội và những cơ quan chịu trách nhiệm của nhà nước.

- Nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của cơ sở dạy nghề thí điểm cũng như năng lực của đại diện các doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.

- Xây dựng và thí điểm tiêu chuẩn và quy trình đánh giá theo định hướng kinh nghiệm của Đức phù hợp với hệ thống đánh giá chứng nhận của Việt Nam cho nghề xử lý nước thải.

- Thí điểm các chiến dịch quảng bá hình ảnh, tài liệu truyền thông và xây dựng các trang thông tin điện tử với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải.

- Thực hiện các hoạt động giám sát đối với các cơ sở đào tạo nghề đối tác hiện tại thuộc hợp tác Việt-Đức trong đào tạo nghề.

6. Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 2.105.000 Euro, trong đó:

- Vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức: 2,0 triệu Euro.

- Vốn đối ứng của phía Việt Nam: 105.000 Euro do Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tự bố trí.

7. Cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn ODA: cấp phát 100% từ ngân sách nhà nước.

Điều 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công hàm thông báo cho phía Đức biết về Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ để phối hợp thực hiện.

Điều 3. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định, phê duyệt văn kiện Dự án theo quy định hiện hành; bố trí đầy đủ vốn đối ứng, bảo đảm Dự án được triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

[...]
3