Loading


Quyết định 956/QĐ-TTg năm 2020 về Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 956/QĐ-TTg
Ngày ban hành 06/07/2020
Ngày có hiệu lực 06/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 956/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 06 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia

Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Hội đồng có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Hội đồng hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng

1. Hội đồng gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên (sau đây gọi chung là thành viên Hội đồng) là các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của Hội đồng. Trong đó:

a) Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm; có 01 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng.

b) Ủy viên Hội đồng có từ 27 đến 29 thành viên, trong đó có đại diện Tổng Hội y học Việt Nam và một số hội chuyên ngành y tế; một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế về đào tạo, khám bệnh, chữa bệnh, pháp chế; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ủy viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm Uỷ viên Hội đồng.

Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng được quy định cụ thể tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

2. Ban chuyên môn của Hội đồng giúp Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Thành viên của Ban chuyên môn là thành viên Hội đồng và chuyên gia đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mỗi Ban, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và quy định tiêu chuẩn thành viên của Ban chuyên môn.

3. Văn phòng Hội đồng giúp việc cho Hội đồng trong triển khai các hoạt động hành chính, tổ chức, nhân sự, tài chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Nhân lực của Văn phòng Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái từ các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ Y tế, đại diện các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định thành lập, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hội đồng.

Điều 3. Nhiệm vụ của Hội đồng

1. Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật.

2. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật: xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Y tế:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó Chủ tịch Hội đồng.

[...]
2