Loading


Thông báo 150/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) do Văn phòng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 150/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/04/2023
Ngày có hiệu lực 23/04/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/TB-VPCP

Hà Nội ngày 23 tháng 4 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ HOÀN THIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 (QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)

Ngày 21 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Công Thương báo cáo về việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng chí Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII), đồng chí Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng và đại diện các cơ quan tham mưu thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Năng lượng và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đại diện cơ quan tư vấn trình bày các nội dung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo các kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan tham dự họp và của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận cuộc họp như sau:

1. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã có những kết luận, chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII dựa trên các tính toán khoa học, tối ưu tổng thể, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, bám sát các chủ trương đường lối của Đảng về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới, đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và góp phần quan trọng thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng v.v...

Mặc dù, các cơ quan lập và trình duyệt Quy hoạch điện VIII đã có nhiều cố gắng trong quá trình lập, nghiên cứu tiếp thu ý kiến kết luận chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực để hoàn thiện nhưng quá trình thực hiện nhìn chung còn chậm, đặc biệt là xử lý những vấn đề mới, khó trong quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay, cũng như xử lý một số hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn thời gian qua.

2. Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập quy hoạch khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trên cơ sở các nguyên tắc và nội dung cụ thể như sau:

- Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc rất quan trọng, phải đáp ứng nhịp điệu phát triển kinh tế, xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đúng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị; bám sát các định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 và các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

- Quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ, kế thừa các mặt tích cực và hiệu quả của quy hoạch trước đây; tối ưu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải để cung cấp điện cho phụ tải, giảm tối đa truyền tải liên vùng; tối ưu hóa các nguồn điện chạy nền cùng với các nguồn điện năng lượng tái tạo; khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng năng lượng sơ cấp của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế. Các kịch bản, lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng cần tính toán dựa trên tiến bộ của khoa học công nghệ, tiềm năng và nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt cần tối ưu hóa về kinh tế để làm cơ sở quyết định.

- Trong bối cảnh ngành năng lượng trên thế giới phát triển rất nhanh do tiến bộ của khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng, yêu cầu đặt ra đối với Quy hoạch điện VIII là cần có cách tiếp cận mới, trong đó có các yếu tố động và mở. Quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu tổng thể, đồng bộ, an ninh năng lượng cho nền kinh tế, cân bằng giữa các nguồn điện, phụ tải điện, lưới điện với giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước (yếu tố tĩnh); bên cạnh đó, yếu tố động và mở là phương án lộ trình, chuyển dịch năng lượng công bằng phù hợp với điều kiện của khoa học và công nghệ, quản trị tiên tiến, để chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả với mục đích đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho nền kinh tế, lợi ích tốt nhất cho nhân dân.

- Cơ quan tư vấn lập quy hoạch và các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm rà soát lại số liệu đánh giá hiện trạng nguồn và lưới điện truyền tải, tiến độ các dự án đang triển khai, dự báo chính xác nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện sinh hoạt cho nhân dân, yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

- Bổ sung nghiên cứu theo hướng quy hoạch động, mở đối với nguồn điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo tiềm năng và khả năng tự sản, tự tiêu cùng với giải pháp cân bằng, ổn định hệ thống điện như thủy điện tích năng, pin tích điện, sản xuất hydrogen, amoniac xanh v.v…, đặc biệt cần có cơ chế để phát triển điện áp mái cho sinh hoạt ở khu vực có khả năng thiếu điện sinh hoạt trong những năm tới.

- Cần làm rõ số liệu quy hoạch điện mặt trời các dạng áp mái, tự sản tự tiêu hoặc thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp. Không được hợp thức hóa các dự án vi phạm pháp luật, các dự án phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn, phụ tải, hạ tầng truyền tải và không hiệu quả về kinh tế.

- Rà soát các số liệu tiềm năng điện gió ngoài khơi, tính toán quy hoạch điện gió cho sản xuất hydrogen, amoniac xanh v.v... Đối với nguồn điện sinh khối cần báo cáo kỹ thêm về tiềm năng, hiệu quả, đồng thời xem xét khả năng tăng quy mô nguồn điện sinh khối trong quy hoạch cho phù hợp.

- Bổ sung, đánh giá thêm khả năng phát triển các nguồn điện tích năng, pin lưu trữ để bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia tích hợp quy mô lớn các nguồn điện gió và mặt trời.

- Quy hoạch điện VIII đưa ra danh mục các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Ngoài ra, các dự án cụ thể sẽ được xác định trong kế hoạch 5 năm và hàng năm phù hợp với nhu cầu điện năng của nền kinh tế, phát triển của khoa học công nghệ, nguồn lực đầu tư, đồng bộ với các kế hoạch sử kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển các ngành.

- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp bao gồm cả thu hút, huy động nguồn lực, trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện Quy hoạch sau này.

3. Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo các yêu cầu nêu trên, báo cáo xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước ngày 25 tháng 4 năm 2023.

Về hồ sơ, tài liệu báo cáo xin ý kiến Thường trực Chính phủ gồm: (1) Báo cáo chính gồm đầy đủ các nội dung của Quy hoạch điện VIII và các nội dung cụ thể xin ý kiến Thường trực Chính phủ; (2) Báo cáo tóm tắt ngắn gọn, cô đọng theo đúng quy định; (3) Dự thảo kết luận của Thường trực Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg: Trần Hồng Hà, Lê Văn Thành (để báo cáo);
- Các Bộ: CT, KHĐT, TC, TNMT;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Viện Năng lượng;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Cao Lục, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, NN, KGVX, QHĐP;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

3