Loading


Thông báo số 20/TB-VPCP về ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tăng cường quản lý giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 20/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/01/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Chứng khoán

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2007 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Ngày 18 tháng 1 năm 2007, Thường trực Chính phủ đã họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình và bàn các biện pháp tăng cường quản lý và giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán. Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

Thị trường chứng khoán nước ta tuy mới hình thành, nhưng năm 2006 đã có bước khởi sắc, phát triển với tốc độ nhanh về chủng loại, số lượng chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán, các tổ chức dịch vụ chứng khoán,... phù hợp với chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước; tổng giá trị cổ phiếu niêm yết tăng 20 lần so với cuối năm 2005, tương đương với 20% GDP, đã tạo thêm một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường chứng khoán hiện cũng đang đặt ra một số vấn đề phải quan tâm xử lý như: giá một số cổ phiếu tăng liên tục ở mức cao; chất lượng dịch vụ của các tổ chức tài chính trung gian, hoạt động tư vấn, giám sát, định giá cổ phẩn để niêm yết, chất lượng và quản lý thông tin còn hạn chế; các quy định về quản lý, kiểm soát thị trường đảm bảo phát triển bền vững còn thiếu và chưa đồng bộ; sự chủ động của các Bộ, ngành chức năng cũng như sự phối hợp liên ngành để thực hiện quản lý, kiểm soát thị trường chứng khoán chưa thật tốt; năng lực quản lý giám sát thị trường của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước còn yếu.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển ổn đinh, bền vững, thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện và phát triển đồng bộ thị trường tài chính Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Luật Chứng khoán đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Các Bộ: Tài chính, Kế toán và Đầu tư, Ngân hàng nước Việt Nam, theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền, chủ động nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định nhằm quản lý, giảm sát, kiểm soát cho thị trường chứng khoán, đảm  bảo phát triển ổn định, bền vững.

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải theo lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện kinh tế - xã  hội của nước ta. Trước mắt chưa điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

2. Bộ Tài chính mà trực tiếp là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển thị trường chứng khoán phải phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan chức năng khác chỉ đạo tăng cường giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trước hết là:

a) Phát triển thị trường các giao dịch chính thức, tăng cường quản lý các công ty đại chúng theo quy định của Luật chứng khoán nhằm thu hẹp thị trường phi tập trung (OTC).

b) Giám sát các hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, đặc biệt đối với các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài phải bảo đảm hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật về tỷ lệ cổ phiếu, công bố thông tin và các quy định hiện hành khác; đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm; chỉ cho phép thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế kiểm soát luồng tiền để giám sát hoạt động đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Thực hiện đăng ký lại ngay các văn phòng đại diện của các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.

c) Giám sát hoạt động giao dịch trên các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán; chú trọng kiểm soát việc thực hiện quy định về công bố thông tin của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chính khoán; bảo đảm tuân thủ quy trình về đặt lệnh giao dịch, lưu ký, thanh toán chứng khoán để các hoạt động này đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

d) Giám sát hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn định giá doanh nghiệp để các hoạt động dịch vụ này thực sự có chất lượng, phản ảnh trung thực và là hoạt động có độ tin cậy cao đối với các nhà đầu tư chứng khoán.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, chủ động ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định và chỉ đạo, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại trong hoạt động repo, huy động, cho vay, cầm cố để đầu tư chứng khoán; xây dựng, củng cố về tổ chức và áp dụng các công cụ quản lý thích hợp để bảo đảm giám sát được luồng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất việc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp quy hướng dẫn Pháp lệnh quản lý ngoại hối, trong đó có việc gửi và rút vồn của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chế độ kiểm toán, quản trị công ty, công bố thông tin tăng cường giám sát các tổ chức này trong việc mua bán cổ phiếu, đầu tư, góp vốn cũng như việc chuyển nhượng cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn cho hệ thống ngân hàng.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế cũng như việc thực hiện vai trò điều tiết thị trường vốn qua các công cụ chính sách này.

4. Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương triển khai các dự án hiện đại hoá công nghệ thông tin thị trường chứng khoán, trước hết là nâng cấp hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán để bảo đảm được yêu cầu về kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý; đồng thời, đáp ứng yêu cầu về công khai, minh bạch hoá thông tin đối với hoạt động đầu tư chứng khoán.

5. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình để nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cũng như thực hiện chức năng giám sát thị trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính phù hợp đối với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, để có thể thu hút, khuyến khích cán bộ có năng lực và chuyên môn làm việc tại cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.

6. Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền với nội dung và phương thức đa dạng để công chúng có hiểu biết hơn về những lợi ích cũng như những rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán, coi đây là một trong các giải pháp trọng tâm lâu dài nhằm phát triển lành mạnh và bền vững thị trường chứng khoán.

7. Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan chức năng khác chủ động nghiên cứu dự báo về những biến động không thuận có thể xẩy ra trong quá trình hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và đề xuất phương án xử lý để đảm bảo an ninh tài chính, ổn định kinh tế - xã hội.

8. Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, thực hiện giao ban hàng tuần và báo cáo kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong trương hợp cần thiết.

9. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan khác nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2007 Đề án thành lập tổ chức có chức năng, quyền hạn và đủ khả năng giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để báo cáo Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Bộ Chính trị; Thường trực ban bí thư;
- TTg, các PTTg CP;
- Các Bộ: TC, KH và ĐT,
 NHNN, UBCKNN;
- VPCP: BTCN, các PCN;
- Các Vụ: QHQT, ĐMDN; TH;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, KTTH (2)

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
 


 
Nguyễn Quốc Huy

 

4