Loading


Thông báo 275/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 275/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/09/2016
Ngày có hiệu lực 06/09/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 275/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Ngày 15 tháng 8 năm 2016, tại trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, một số cơ chế đối với y tế cơ sở và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm xã hội, Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau khi nghe báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ý kiến của các bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

1. Về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

a) Triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 trong mấy năm gần đây, công tác bảo hiểm xã hội đã chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu căn bản như đã rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước. Tuy nhiên, lưới an sinh xã hội của nước ta còn lạc hậu, bảo hiểm y tế chưa bao phủ đến toàn dân, bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 23-25%. Thực trạng này đòi hỏi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra nhằm tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, trước hết là đối với số lao động có hợp đồng lao động, vận động người không tham gia quan hệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội, trước hết là cân bằng thu chi, gắn với lộ trình tăng phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

d) Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế đồng thời tăng chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Về y tế cơ sở:

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện phân loại y tế cơ sở và có cơ chế phù hợp đối với từng nhóm. Hoàn thành sớm cơ chế phù hợp, nhất là về tài chính đối với trạm y tế xã, phường để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương (tương tự như bác sĩ gia đình); khẩn trương bổ sung danh mục thuốc, vật tư y tế được sử dụng tại trạm y tế xã; phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bãi bỏ, sửa đổi các quy định hạn chế vai trò của trạm y tế xã, phường (như quy định Quỹ khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú tính trên số thẻ đăng ký ban đầu...); có cơ chế để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trạm y tế ven các đô thị, có thể cho bác sĩ giỏi thuê, mượn để mở phòng khám chữa bệnh.

Phải sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước (kể cả ODA) đầu tư cho y tế cơ sở, trước mắt tập trung triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

3. Về ứng dụng công nghệ thông tin:

a) Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện kết nối các cơ sở khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành các danh mục dịch vụ, thuốc, vật tư y tế sử dụng trong bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức trước hết là đối với cán bộ y tế, tăng cường minh bạch và kỷ luật kỷ cương trong thực hiện kết nối, liên thông giữa khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết nối tại một số cơ sở khám chữa bệnh, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; lưu ý việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.

b) Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động sử dụng nguồn lực hiện có để tin học hóa, hiện đại hóa bảo hiểm xã hội. Cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng, thực hiện các dự án tin học hóa công tác Bảo hiểm xã hội (kể cả dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới cho Chương trình tổng thể hiện đại hóa Bảo hiểm xã hội như đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

c) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội khẩn trương có quy định, hướng dẫn và triển khai gói tin học cơ bản cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg và các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan: YT, LĐTBXH, KH&ĐT, TC, NV;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, Tổng TK HĐQG phát triển bền vững và NCNLCT; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, TCCV, QHQT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3).Q

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

1