Loading


Thông báo 286/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi), Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 286/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/10/2021
Ngày có hiệu lực 27/10/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 286/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI), ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI) VÀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ (SỬA ĐỔI)

Ngày 30 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về: Đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi), Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan chủ trì soạn thảo, ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Về Đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi):

Giao Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, nội dung các chính sách cũng như các giải pháp thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn trên cơ sở bảo đảm yêu cầu sau:

- Luật giá là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để tham gia điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung - cầu và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; xử lý hài hòa mối quan hệ trong phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương; đồng thời phải có tính linh hoạt trong các trường hợp để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế;

- Tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong công tác quản lý điều hành giá; gắn với cải cách, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ phát hiện các sai phạm nhằm chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm; đồng thời tạo hành lang pháp lý phù hợp để thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tránh việc né tránh, thoái thác trách nhiệm;

- Có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng thông đồng trong thẩm định giá; phòng chống tham nhũng, lãng phí tài sản Nhà nước trong thẩm định giá; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi thông qua nghiên cứu các quy định chặt chẽ, cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình thẩm định giá, thẩm định viên về giá, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá;

- Nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục quản lý, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật;

- Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, cần lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan Đảng, Quốc hội, các tổ chức, cá nhân liên quan; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Về Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi):

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo đảm các yêu cầu sau:

- Đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật để đưa vào Luật những vấn đề đã rõ, cân nhắc quy định thẩm quyền của Chính phủ trong Luật, giảm các quy định hướng dẫn nhưng không cứng nhắc, mà cần linh hoạt, giao Chính phủ quy định những vấn đề cấp bách, trường hợp đặc biệt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền;

- Việc mở rộng phạm vi, đối tượng trong luật cần thiết kế theo hướng quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng sẽ xác định các đối tượng cụ thể trong tổ chức thực hiện Luật. Những vấn đề liên quan đến quyền con người thì cần quy định tại Luật;

- Về bổ sung thẩm quyền của cơ quan quản lý thì phải gắn với trách nhiệm, có công cụ kiểm tra, giám sát, tránh sai phạm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến tiền, vàng; các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tài sản vật chất, hàng hóa khác phù hợp với chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của từng bộ, cơ quan; làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các bộ, cơ quan trong phòng chống rửa tiền;

- Tôn trọng, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, có giải pháp thực hiện phù hợp với pháp luật và thực tiễn của Việt Nam;

- Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống rửa tiền, nhất là tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mở rộng giao dịch điện tử gắn với công cụ giám sát, kiểm tra, cắt giảm thủ tục hành chính;

- Tiếp tục nghiên cứu các quy định về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các đối tượng mới như: tiền ảo, tài sản ảo,...

- Tiếp tục nghiên cứu kỹ các chính sách, tham khảo ý kiến của các cơ quan của Quốc hội; lấy ý kiến chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động, tăng cường truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.

3. Về Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi):

Giao Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, cần sửa đổi các chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật, nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm các yêu cầu sau:

- Chính sách bảo hiểm y tế cần bảo đảm phương thức đóng - hưởng và nguyên tắc sự chia sẻ rủi ro để bảo đảm an sinh xã hội và thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội. Việc quy định nâng mức trần đóng bảo hiểm y tế cần bảo đảm tính khoa học, khả thi và có lộ trình phù hợp;

- Quy định về thu chi, sử dụng, quản lý Quỹ bảo hiểm y tế cần bảo đảm sự công khai, minh bạch, đặc biệt là việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... phải theo nguyên tắc kinh tế thị trường lành mạnh, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, cần rà soát, nghiên cứu để xử lý triệt để nhũng trường hợp còn vướng mắc về điều kiện, giấy tờ nhân thân... bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các đối tượng yếu thế, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho hệ thống y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, y tế tư nhân... tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm y tế để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên;

- Nghiên cứu đẩy mạnh hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế, thống nhất sử dụng nền tảng công nghệ trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Đồng thời, quy định về công tác thanh tra, kiểm tra cần phù hợp, minh bạch, hiệu quả;

- Cần cân nhắc việc quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong Luật bảo hiểm y tế, nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt điều hành của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết có thể kịp thời báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

[...]
2