Loading


Thông báo 329/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng đầu năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 329/TB-VPCP
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 09/12/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 329/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11, 11 THÁNG ĐẦU NĂM 2021; DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Ngày 29 tháng 11 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2021, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

- Nhấn mạnh những kết quả tích cực đạt được sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; làm rõ các bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy, khắc phục các tồn tại hạn chế để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

- Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới, có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn; đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, chủ động, có kế hoạch bảo đảm nguồn vắc-xin, thuốc điều trị, kít xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp phải tham gia tích cực, hiệu quả và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

- Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa giữ vững ổn định vĩ mô, vừa góp phần phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý, điều hành giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tiếp tục thực hiện biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; chủ động có giải pháp khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách nhà nước.

- Chủ động nghiên cứu và thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.

- Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI, thúc đẩy triển khai công tác quy hoạch; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Hội nghị của Chính phủ với các địa phương về đánh giá năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề xuất trình Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án đàm phán các khoản vốn vay ODA có điều kiện ưu đãi nhất và linh hoạt nhất với phía Nhật Bản; kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

2. Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

a) Yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết kèm theo văn bản số 8298/BC-BKHĐT ngày 28 tháng 11 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu, đề án cụ thể và thời hạn hoàn thành thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả, khả thi và có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế đưa vào các nhiệm vụ mang tính chất thường xuyên; có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 30 tháng 11 năm 2021 và chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu đề xuất.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ, cơ quan tại điểm a Mục 2 trên, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2021.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân,
Các Vụ: TKBT, TH;
- Lưu: VT, KTTH (2)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

2