Thông báo 558/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 558/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 17/12/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Đầu tư,Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 558/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG ĐƯỜNG CAO TỐC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN
Ngày 09 tháng 12 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang (họp trực tuyến tại các điểm cầu địa phương).
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
1. Thủ tướng Chính phủ[1] đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tham mưu việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận từ tháng 7 năm 2023; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất đầu tư tại văn bản số 6727/VPCP-CN ngày 31/8/2023. Trong thời gian nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn và giao nhà đầu tư đề xuất dự án, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ là chậm so với yêu cầu, tuy có nguyên nhân khách quan (cần chờ Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025). Do vậy, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công Dự án trong Quý II năm 2025.
2. Về phương án đầu tư:
- Về quy mô đầu tư: Cơ bản đồng ý với phương án Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất đề xuất. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư cần trao đổi thêm với các địa phương liên quan để thống nhất lựa chọn quy mô đầu tư tối ưu, bảo đảm khả thi và để triển khai đầu tư xây dựng mở rộng trong thời gian sớm nhất; không thể để xảy ra tình trạng đầu tư xây dựng xong nhưng trong ngắn hạn đã gây ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư đề xuất Dự án mở rộng và Tư vấn chịu trách nhiệm về số liệu tính toán, dự báo, nhất là về lưu lượng phương tiện lưu thông.
- Về cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo phương thức PPP: Tại văn bản số 5498/VPCP-CN ngày 20/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo “... nên giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền”. Do vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải trao đổi với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (hoặc địa phương liên quan), trường hợp thống nhất được việc giao địa phương nào làm cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 01 năm 2025, trên tinh thần đảm bảo thuận lợi và năng lực tổ chức triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất; trường hợp Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo phù hợp về năng lực tổ chức triển khai và có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư - thi công thì cần báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
- Về lựa chọn nhà đầu tư: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2023 số 57/2024/QH15 đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất có thể.
- Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương lên quy mô 10-12 làn xe. Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, khẩn trương phối hợp với các địa phương liên quan, lập dự án giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn hợp pháp, khả thi để giao các địa phương triển khai ngay, tránh phát sinh chi phí và thuận lợi khi đầu tư mở rộng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |