Kinh nghiệm đi thuê trọ cho tân sinh viên

Sinh viên thường không có kinh nghiệm để chọn trọ vừa ưng ý vừa hợp giá tiền. Dưới đây là các kinh nghiệm khi đi thuê trọ để vừa kiếm được trọ phù hợp vừa tránh mất tiền oan.

Nội dung chính

    Xác định nhu cầu của bản thân

    Kinh nghiệm đi thuê trọ đầu tiên mà sinh viên cần lưu ý là việc xác định rõ ràng nhu cầu của bản thân.

    Trước tiên, sinh viên cần quyết định xem mình muốn ở một mình hay ở chung với người khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến không gian sống mà còn đến chi phí hàng tháng. Vì vậy, cần phải cân nhắc xem ở một mình hay ở chung sẽ phù hợp hơn với bản thân về những điều kiện như không gian sống, giờ giấc sinh hoạt, kinh phí phải chi trả.

    Tiếp theo, dựa vào nhu cầu của bản thân cần xem xét loại hình nhà mình muốn thuê, có thể là chung cư mini, phòng trọ, ký túc xá tư nhân, hoặc sleepbox... Mỗi loại hình sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng, ảnh hưởng đến mức giá cũng như những tiện ích mà nó mang lại. 

    Một yếu tố không thể bỏ qua là khả năng tài chính. Sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng về ngân sách của mình, xác định được số kinh phí mình có thể chi ra cho phòng trọ đó, để không rơi vào tình trạng khó khăn tài chính trong quá trình sống. Kinh nghiệm cho thấy, nếu ở một mình, số tiền thuê hàng tháng thường sẽ cao hơn so với việc ở ghép. Tương tự, các loại hình như ký túc xá tư nhân cũng thường có giá rẻ hơn so với phòng trọ hoặc chung cư mini.

    Cuối cùng, bên cạnh nhu cầu của bản thân thì điều quan trọng nhất là nơi ở phải đảm bảo an ninh và an toàn. Một môi trường sống tốt không chỉ giúp sinh viên yên tâm học tập mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và tìm hiểu trước khi quyết định thuê phòng.

    Kinh nghiệm khi đi thuê phòng trọ cho tân sinh viên (Hình ảnh từ Internet)

    Xác định khu vực thuê trọ

    Việc lựa chọn khu vực thuê trọ là một trong những quyết định quan trọng mà người đi thuê cần cân nhắc kỹ lưỡng.

    Đầu tiên là khoảng cách từ nơi để di chuyển đến trường học và các khu vực khác. Khi chọn trọ không nên chọn những khu vực quá xa nơi học. Khoảng cách phù hợp từ phòng trọ đến trường học thường chỉ nên dao động từ 5-6km trở xuống. Có thể thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng kẹt xe và tắc đường vào giờ cao điểm diễn ra rất phổ biến. Nếu bạn phải di chuyển từ một vị trí quá xa, thời gian di chuyển hàng ngày sẽ trở thành gánh nặng, không chỉ tiêu tốn nhiều thời gian mà còn gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng. Do đó, sinh viên nên lựa chọn vị trí gần trường sẽ thuận tiện cho việc di chuyển hơn, ngoài việc tiết kiệm thời gian di chuyển cũng sẽ giảm thiểu được chi phí di chuyển.

    Ngoài ra, việc xem xét khu vực thuê trọ sẽ đánh giá được tình trạng ngập lụt tại khu vực bạn dự định thuê trọ. Hà Nội và TP.HCM thường xuyên phải đối mặt với những trận mưa lớn, dẫn đến tình trạng ngập lụt tại nhiều nơi. Những khu vực trũng, có địa thế thấp thường chịu ảnh hưởng nặng hơn, khiến cho cuộc sống hàng ngày gặp nhiều bất tiện. Sinh viên nên tìm hiểu về thực trạng ngập lụt của khu vực mình dự định thuê. Việc tránh xa những khu vực dễ bị ngập nước không chỉ giúp bạn bảo vệ tài sản cá nhân mà còn giúp bạn có một cuộc sống thoải mái hơn.

    Cuối cùng, khi quyết định khu vực thuê trọ, bạn cũng nên cân nhắc đến các tiện ích xung quanh như chợ, siêu thị, bệnh viện, và các dịch vụ công cộng khác. Một khu vực có đầy đủ tiện ích sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Tóm lại, lựa chọn khu vực thuê phòng trọ cần được thực hiện một cách cẩn thận và thông minh, đảm bảo bạn có một môi trường sống lý tưởng để học tập và làm việc.

    Kiểm tra cơ sở vật chất, môi trường xung quanh trọ

    Khi đã lựa được phòng trọ thì kinh nghiệm đi thuê trọ là lúc đi xem phòng trọ phải chú trọng kiểm tra cơ sở vật chất của phòng trọ.

    Trước tiên, nếu phòng trọ đã được trang bị nội thất như giường, tủ, bàn và các thiết bị khác, sinh viên cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng của các vật dụng để đảm bảo mọi thứ đều trong tình trạng tốt, hoạt động bình thường. Chẳng hạn như ống nước có hiện tượng rò rỉ nước không, tình trạng truy cập internet có ổn định không...

    Ngoài ra, sinh viên nên để ý tới an ninh của khu vực. Bạn nên quan sát xem khu vực có yên tĩnh, an toàn không. Cũng như kiểm tra hệ thống an ninh của phòng trọ, ví dụ như camera giám sát hay khóa cửa an toàn.

    Tóm lại, việc kiểm tra cơ sở vật chất, môi trường xung quanh trọ là một bước không thể thiếu trong quá trình thuê trọ. Việc chú trọng đến cơ sở vật chất và an ninh phòng trọ sẽ giúp bạn có một trải nghiệm thuê trọ suôn sẻ và tránh được những rắc rối không mong muốn trong tương lai.

    Kiểm tra và thống nhất kĩ các chi phí phát sinh khác

    Ngoài ra, trong kinh nghiệm đi thuê phòng trọ, sinh viên cần hỏi kỹ về cách tính điện, nước của phòng. Cũng như hỏi còn phải chi trả các chi phí phát sinh nào khác không. Chẳng hạn như phí dịch vụ sử dụng internet, phí xử lý rác thải, phí giữ xe, phí giặt sấy (nếu có)... Do đôi khi còn có nhiều chi phí khác phát sinh ngoài những khoản phí cố định như tiền thuê phòng, tiền điện nước. Vậy nên, để tránh những rắc rối không đáng có về sau thì khi đi xem phòng, sinh viên nên trao đổi hoặc có đàm phán để cân nhắc xem những chi phí đó có phù hợp với bản thân hay không trước khi quyết định ký hợp đồng để thuê phòng trọ.

    Kiểm tra hợp đồng thuê trọ

    Nếu quyết định thuê trọ, việc ký hợp đồng thuê trọ với chủ nhà là bước quan trọng không thể bỏ qua bởi vì nó sẽ bảo vệ quyền lợi cũng như đảm bảo thực hiện nghĩa vụ giữa hai bên. Sinh viên cần phải đọc kĩ hợp đồng để xem những điều khoản trong hợp đồng có đúng với những thông tin hai bên đã thoả thuận trước đó không về giá thuê phòng, hay các chi phí khác. Một điều cần lưu ý là sinh viên phải xem kỹ hợp đồng có các điều khoản nào không được chủ nhà thông báo nhưng vẫn có trong hợp đồng không. Ví dụ các quy định về việc nuôi thú cưng, quy định về tiếng ồn, và giờ giấc ra vào. Bởi vì những điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cuối cùng, theo kinh nghiệm đi thuê trọ thì trước khi ký hợp đồng, nếu có điều khoản nào bạn chưa hiểu, hoặc không rõ thì nên yêu cầu để được chủ nhà giải thích, bởi hiểu kỹ và chắc chắn tất cả các điều khoản được quy định trong hợp đồng là một trong những cách để bảo vệ quyền lợi của bạn.

    Tránh bị lừa đảo

    Trên mạng các thông tin về phòng trọ, cho thuê phòng trọ rất tràn lan. Vậy nên, theo kinh nghiệm đi thuê trọ việc xác định phòng trọ đó có an toàn, có những vấn đề gì xảy ra ở phòng trọ đó chưa thì các bạn sinh viên cũng nên tra cứu thông tin thật kỹ để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Hoặc về vấn đề đặt cọc, nhiều bạn sinh viên chưa lên thành phố nhưng vì muốn giữ phòng nên sẵn sàng bỏ một số tiền ra để đặt cọc, thế nhưng sau đó lại không liên lạc được với người mà mình đã đặt cọc. Vậy nên, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi thực hiện một giao dịch nào đó khi đi thuê phòng.

    Hy vọng với các kinh nghiệm trên sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều kiến thức khi đi thuê trọ để có thể kiếm được trọ phù hợp cũng như tránh được những rắc rối trong suốt quá trinh kiếm trọ và cả những rắc rối sau này.

    saved-content
    unsaved-content
    60
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT