Nợ xấu có được vay ngân hàng mua nhà không? Làm cách nào để xóa nợ xấu?
Nội dung chính
Nợ xấu là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN, nợ xấu là khoản nợ được ngân hàng phân loại vào các nhóm 3, 4 và 5.
Đây là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thông thường, các khoản nợ quá hạn thanh toán trên 90 ngày sẽ bị coi là nợ xấu.
Tình trạng nợ xấu sẽ được ghi nhận trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và sau 1 khoản thời gian nhất định đối với từng nhóm nợ thì hệ thống sẽ tự động xóa đi lịch sử nợ xấu.
Có mấy loại nợ xấu hiện nay?
Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2011/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
- Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)
- Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)
- Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)
- Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)
- Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
Nếu bị nợ xấu có được vay ngân hàng mua nhà không? Làm cách nào để xóa nợ xấu? (Hình từ Internet)
Nợ xấu có được vay ngân hàng mua nhà được không?
Thông tin nợ xấu được lưu trữ trong thời gian tối đa 05 năm trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Để được ngân hàng xét duyệt khoản vay, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau:
- Công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Việt Nam
- Tuổi từ 18 trở lên và không quá 65 tuổi (tùy từng ngân hàng sẽ có độ tuổi quy định khác nhau)
- Chứng minh nguồn thu nhập hàng tháng của cả 02 vợ chồng (nếu đã lập gia đình) bằng các hồ sơ tương ứng với thu nhập như (lương, hộ kinh doanh, bất động sản cho thuê...)
- Nếu vay trả góp căn hộ thì căn hộ thế chấp phải thuộc ngân hàng có liên kết hoặc hợp tác với chủ đầu tư dự án
- Người mua cần có ít nhất 30% giá trị bất động sản (tùy theo dự án quy định)
- Lịch sử tín dụng (CIC) trong vòng 12 tháng gần nhất không phát sinh nợ xấu nhóm 2 và 5 năm gần nhất không phát sinh nợ xấu nhóm 3,4,5.
Như vậy, nếu phát sinh nợ xấu trong 60 tháng gần nhất. Khi bị nợ xấu trên hệ thống thì ngân hàng rất khó cho vay mua nhà. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp Ngân hàng vẫn có thể cho qua như:
- Những khoản nợ với số tiền nhỏ như dưới 50 triệu thì có thể xem xét cho vay mua nhà
- Có đơn xác nhận của ngân hàng cho vay là do lỗi nhân viên, lỗi hệ thống,…
- Đã thanh toán hết số tiền nợ xấu trước khi làm hồ sơ vay mua nhà đất.
Làm cách nào để xóa nợ xấu?
Ngoài các ngân hàng lẫn tổ chức tài chính thì Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) còn là nơi lưu giữ thông tin nợ xấu và mạng lưới các công ty, tổ chức này đều có thể kiểm tra được lịch sử tín dụng của khách hàng. Cho nên một khi khách hàng rơi vào nhóm nợ xấu 3, 4, 5, sẽ cực kỳ khó cho chính khách hàng đó để vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức tài chính khác.
Vì vậy nếu muốn xóa nợ xấu ngân hàng hay xóa nợ xấu trên CIC ta cần:
- Đối với khoản nợ dưới 10 triệu đồng
Khách hàng cần thanh toán hết khoản nợ cả gốc lẫn lãi. Lịch sử nợ xấu của khách hàng sẽ được xóa khỏi hệ thống CIC sau khi khoản vay được tất toán.
- Đối với khoản nợ trên 10 triệu đồng
Khách hàng phải thanh toán sớm khoản vay cả gốc lẫn lãi, sau đó thông báo với người quản lý khoản vay để yêu cầu xác minh khoản vay đã được tất toán. Sau 1 năm, tình trạng tín dụng của khách hàng sẽ bình thường trở lại, có thể tiếp tục vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức tài chính khác.
Với khách hàng thuộc nhóm nợ 3, 4, 5 thì phải sau 5 năm mới có khả năng xóa được lịch sử nợ xấu và được xét duyệt đăng ký các khoản vay mới.
Vì vậy nếu để nợ xấu quá hạn càng lâu thì xóa lịch sử nợ xấu càng mất nhiều thời gian. Khách hàng nên cân nhắc khả năng chi trả của bản thân trước khi tiến hành vay vốn và cần theo dõi lịch thanh toán để không quên hay bỏ lỡ thời hạn thanh toán định kỳ.