Loading


Vì sao nhà đầu tư đang quay lưng với bất động sản nghỉ dưỡng?

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Sự sụt giảm giao dịch, cùng với tâm lý e dè của nhà đầu tư đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho phân khúc này.

Nội dung chính

    Lý do nhà đầu tư đang quay lưng với bất động sản nghỉ dưỡng?

    Xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng dần trở thành phân khúc được các nhà đầu tư đón nhận. Theo đó, hàng loạt các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

    Tuy nhiên, đến năm 2018 phân khúc này bộc lộ hàng loạt các vấn đề như tính pháp lý của condotel ; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá... khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy.

    Ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới tác động của dịch COVID-19 khiến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có dấu hiệu đóng băng và không có giao dịch cho tới hết năm 2021. Đầu năm 2022, dòng tiền dễ với lãi suất thấp được bơm vào thị trường, kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc.

    Kết quả sau một thời gian ồ ạt đầu tư phát triển là dư thừa nguồn cung , ghi nhận hàng chục nghìn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng “bơ vơ”. Nhà đầu tư vỡ mộng khi bài toán đầu tư không mang lại lợi nhuận như mong muốn.

    Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm , dù nhiều phân khúc khác đã có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2023, thị trường ghi nhận gần 3.200 sản phẩm, giảm hơn 80% theo năm.

    Bên cạnh nguồn cung chậm cải thiện, toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giao dịch thành công trong năm, giảm 90% so năm 2022. Phần lớn bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “bất động” suốt thời gian qua, dù giá bán giảm 50% trên thị trường thứ cấp. Nhất là sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng.

    Vì sao nhà đầu tư đang quay lưng với bất động sản nghỉ dưỡng?

    Vì sao nhà đầu tư đang quay lưng với bất động sản nghỉ dưỡng? (Hình ảnh từ internet)

    Thực trạng nguồn cung và cầu đới với biệt thự nghỉ dưỡng

    Theo báo cáo của DKRA Group, trong tháng 5/2024 chỉ có nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận tăng so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước 2022 và tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 66%), miền Nam (chiếm 34%).

    Nguồn cung mới ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đến từ 03 dự án với 90 sản phẩm. Mặc dù giá bán vẫn không thay đổi, ở mức từ 11,9 – 36,9 tỷ đồng/căn tại miền Bắc và 5,2 – 5,8 tỷ đồng/căn tại miền Nam, nhưng trong tháng 5/2024, số căn biệt thự giao dịch thành công đạt 23 căn, chiếm 26% lượng hàng trong tháng. Điều này đã giúp thanh khoản của phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng tăng tới hơn 20 lần so với cùng kỳ năm trước.

    Theo DKRA, mặt bằng giá sơ cấp vẫn neo ở mức cao, sức cầu thị trường tuy tăng nhưng không đáng kể, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và tập trung vào những căn có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.

    Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... nhằm tăng thanh khoản.

    Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cho rằng vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng chưa thể triển khai, trong khi lượng hàng tồn kho toàn ở phân khúc giá cao, khiến thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là nguyên nhân khiến thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

    Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản

    Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay thị trường Bất động sản đang từng bước được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch.

    Tuy nhiên, để thị trường nói chung, doanh nghiệp Bất động sản nói riêng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững cần sự tiếp sức, đồng hành của các cơ quan chức năng, các bên liên quan như khách hàng, nhà thầu, đối tác, nhà đầu tư...

    Bên cạnh đó chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong bốn tháng đầu năm 2024, thị trường Bất động sản ghi nhận mức lãi suất cho vay mua nhà đã giảm mạnh với mức thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm qua, kích thích người dân “xuống tiền” mua nhà.

    Các tham luận tại diễn đàn đã tổng hợp năm giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần phát triển Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai gần.

    Cụ thể là: tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng với yêu cầu từ thực tiễn; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

    Triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương tới các địa phương công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Cuối cùng, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp về nguồn vốn đầu tư, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

    saved-content
    unsaved-content
    63