04 Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025?
Nội dung chính
04 Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Dữ liệu 2024 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu như sau:
- Lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu, phát triển, kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc tấn công, chiếm đoạt, phá hoại cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ quản lý, xử lý, quản trị, bảo vệ dữ liệu.
- Giả mạo, cố ý làm sai lệch, làm mất, làm hư hỏng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Cố ý cung cấp dữ liệu sai lệch hoặc không cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật.
04 Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025? (Hình từ Internet)
Từ 01/07/2025 việc thu thập dữ liệu được thực hiện căn cứ trên thông tin từ nguồn gốc giấy tờ thế nào?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Luật Dữ liệu 2024 quy định thu thập dữ liệu như sau:
Thu thập, tạo lập dữ liệu
1. Dữ liệu được thu thập, tạo lập từ các nguồn bao gồm: trực tiếp tạo lập; số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác.
Dữ liệu gốc được tạo lập có giá trị sử dụng như bản chính giấy tờ, tài liệu, các dạng vật chất khác được số hóa.
2. Việc thu thập, tạo lập dữ liệu đối với cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được quy định như sau:
a) Thu thập, tạo lập dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền và sử dụng thống nhất bảng mã danh mục dùng chung, thống nhất với dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia;
b) Dữ liệu có trong các cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ thì không thu thập lại;
c) Dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết dịch vụ công phải được tạo lập, số hóa theo quy định của pháp luật;
d) Thu thập từ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thu thập từ số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác; thu thập qua phương thức điện tử; thu thập trực tiếp từ tổ chức, cá nhân;
đ) Việc thực hiện chuyển đổi giấy tờ, tài liệu số hoá thành dữ diệu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về lưu trữ; chỉ được thu thập dữ liệu từ giấy tờ, tài liệu là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp pháp trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính; dữ liệu được thu thập, tạo lập phải bảo đảm việc xác thực, truy nguyên được đến bản số hóa giấy tờ, tài liệu.
Theo đó chỉ được thu thập dữ liệu từ giấy tờ, tài liệu là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp pháp trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính.
Những yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu để cơ quan nhà nước phân loại dữ liệu bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 13 Luật Dữ Liệu 2024 quy định phân loại dữ liệu thực hiện như sau:
Phân loại dữ liệu
1. Cơ quan nhà nước phải phân loại dữ liệu dựa trên yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu, bao gồm:
a) Phân loại theo tính chất chia sẻ dữ liệu gồm: dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, dữ liệu mở;
b) Phân loại theo tính chất quan trọng của dữ liệu gồm: dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác;
c) Phân loại theo tiêu chí khác đáp ứng yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu do chủ quản dữ liệu quyết định.
2. Chủ sở hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này phải phân loại dữ liệu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và được phân loại dữ liệu theo các tiêu chí khác.
3. Chính phủ quy định tiêu chí xác định dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.
Theo đó việc phân loại dữ liệu sẽ dựa trên các yêu cầu xử lý, bảo vệ dữ liệu, bao gồm:
- Phân loại theo tính chất chia sẻ dữ liệu gồm: dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, dữ liệu mở;
- Phân loại theo tính chất quan trọng của dữ liệu gồm: dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác;
- Phân loại theo tiêu chí khác đáp ứng yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu do chủ quản dữ liệu quyết định.
Nhà nước có những chính sách gì về dữ liệu?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Dữ liệu 2024, chính sách của Nhà nước về dữ liệu được quy định như sau:
(1) Dữ liệu là tài nguyên, Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực để làm giàu dữ liệu, phát triển dữ liệu trở thành tài sản.
(2) Ưu tiên xây dựng, phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu.
(3) Đầu tư xây dựng và phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
(4) Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của người làm công tác về dữ liệu; có cơ chế thu hút nhân lực có trình độ cao để xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.
(5) Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực dữ liệu; xây dựng trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu tại Việt Nam; phát triển thị trường dữ liệu.
(6) Hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quản lý được bảo đảm từ nguồn lực của Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu.
Lưu ý: Luật Dữ liệu 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025