Đăng ký cư trú không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp từ 10/01/2025?
Nội dung chính
Đăng ký cư trú không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp từ 10/01/2025?
Theo Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân
1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
a) Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
b) Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
…
Nhưng tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10/01/2025) có quy định cụ thể như sau:
Giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh quan hệ nhân thân
1. Công dân cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú; cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về quan hệ nhân thân trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
…
Theo quy định hiện hành, khi đăng ký cư trú, công dân phải nộp các giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân. Tuy nhiên, từ ngày 10/01/2025, công dân chỉ cần cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ hoặc thành viên hộ gia đình khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ khai thác thông tin này từ căn cước công dân điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Trong trường hợp không thể xác minh được thông tin về quan hệ nhân thân từ các cơ sở dữ liệu hiện có, cơ quan đăng ký cư trú sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh lại. Công dân sẽ có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân nếu cơ quan yêu cầu.
Đăng ký cư trú không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp từ 10/01/2025? (Hình từ Internet)
Quyền của công dân về cư trú?
Căn cứ Điều 8 Luật Cư trú 2020 quy định quyền của công dân về cư trú như sau:
- Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
- Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.
- Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
- Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định về khai báo tạm vắng như sau:
Khai báo tạm vắng
…
4. Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.
5. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.
Do đó, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và sẽ thông báo cho người khai báo khi thông tin đã được cập nhật, nếu có yêu cầu.
Điều kiện để được đăng ký tạm trú bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020.