Loading

15:20 - 03/12/2024

Các hoạt động nào được coi là hoạt động bảo vệ môi trường?

Các hoạt động nào được coi là hoạt động bảo vệ môi trường? Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là gì?

Nội dung chính

    Các hoạt động nào được coi là hoạt động bảo vệ môi trường?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
    2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
    3. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
    ...

    Như vậy, hoạt động bảo vệ môi trường gồm các hoạt động sau đây:

    (1) Hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường;

    (2) Ứng phó sự cố môi trường;

    (3) Khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường;

    (4) Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Các hoạt động nào được coi là hoạt động bảo vệ môi trường?

    Các hoạt động nào được coi là hoạt động bảo vệ môi trường? (Hình từ internet)

    Các nguyên tắc bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về nguyên tắc bảo vệ môi trường như sau:

    (1) Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

    (2) Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

    (3) Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

    (4) Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

    (5) Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

    (6) Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

    (7) Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

    Những vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm:

    (1) Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường;

    (2) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;

    (3) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;

    (4) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung), cụm công nghiệp, làng nghề;

    (5) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;

    (6) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;

    (7) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn;

    (8) Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;

    (9) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

    (10) Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    107