Loading

22:31 - 30/12/2024

Chất hướng thần có phải là ma tuý không?

Chất hướng thần có phải là ma tuý không? Sử dụng chất hướng thần có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu?

Nội dung chính

    Chất hướng thần có phải là ma tuý không?

    Căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 có quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.
    2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
    3. Chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
    4. Tiền chất là hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.
    5. Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất là thuốc thú y có chứa các chất được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều này.
    6. Cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.
    7. Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
    8. Tệ nạn ma túy là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
    ...

    Như vậy, chất hướng thần được xem là chất ma túy nếu chúng thuộc danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

    Chất hướng thần có phải là ma tuý không?

    Chất hướng thần có phải là ma tuý không? (Hình từ Internet)

    Sử dụng chất hướng thần có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu?

    Căn cứ khoản 1 và điểm a, điểm d khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:

    Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
    ...
    8. Hình thức xử phạt bổ sung:
    a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;
    b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều này;
    c) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g khoản 5 Điều này;
    d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

    Theo đó, khi cá nhân sử dụng chất hướng thần (ma túy) có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

    Đồng thời có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

    >>Xem thêm: Điều khiển xe ô tô mà dương tính với ma túy sẽ bị xử phạt bao nhiêu?

    Trình tự cấp giấy phép hoạt động tạm xuất tái nhập thuốc hướng thần được thực hiện thế nào?

    Theo khoản 1 đến khoản 3 Điều 21 Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định về kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất như sau:

    Kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
    1. Doanh nghiệp có hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
    2. Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, thực hiện thông báo tiền xuất khẩu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 của Nghị định này và cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
    3. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập đã cấp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
    ...

    Theo đó, doanh nghiệp có hoạt động tạm xuất tái nhập thuốc hướng thần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

    saved-content
    unsaved-content
    39