Loading

18:13 - 11/11/2024

Chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản từ ngày 01/01/2018

Chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản từ ngày 01/01/2018 được quy định như thế nào? Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách phát triển thủy sản của nhà nước. Vừa qua, tôi được biết Chính phủ đã ban hành một số quy định mới liên quan đến vấn đề này. Cho tôi hỏi, từ ngày 01/01/2018, chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản từ ngày 01/01/2018

    Theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Nghị định 17/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/03/2018) thì chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản từ ngày 01/01/2018 được quy định cụ thể như sau:

    - Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm:

    + Chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu được thực hiện một hoặc nhiều nội dung: Thay máy tàu; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa,

    + Điều kiện vay: Các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

    + Hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất cụ thể như sau:

    ++ Đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa:

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

    ++ Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản:

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

    +++ Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

    ++ Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

    ++ Đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

    ++ Tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định.

    + Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại. Quy định này được áp dụng cả với những Hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

    + Tài sản thế chấp: Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.

    + Ổn định mức lãi suất chủ tàu phải trả hàng năm theo quy định của Nghị định này. Mức lãi suất 7%/năm quy định tại Điều này thực hiện trong năm đầu tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay với ngân hàng thương mại. Khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm tương ứng. Trường hợp mặt bằng lãi suất cho vay tăng, xử lý theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 9 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

    - Các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu quy định tại Khoản 1 Điều này bị rủi ro xảy ra do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thì tùy theo mức độ bị thiệt hại được xử lý theo nguyên tắc sau:

    + Đối với chủ tàu

    ++ Trường hợp thiệt hại nhưng tàu vẫn có thể sửa chữa để hoạt động, chủ tàu được ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoản vay trong thời gian sửa chữa tàu. Công ty bảo hiểm thanh toán toàn bộ chi phí sửa tàu.

    ++ Trường hợp thiệt hại khiến tàu không thể sử dụng khai thác, việc xử lý rủi ro do ngân hàng thương mại cho vay thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

    + Đối với ngân hàng thương mại cho vay.

    ++ Trường hợp thiệt hại nhưng tàu vẫn có thể sửa chữa để hoạt động, ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng trong thời gian sửa chữa tàu.

    ++ Trường hợp thiệt hại khiến tàu không thể tiếp tục sử dụng khai thác, ngân hàng thương mại xử lý nợ theo thứ tự như sau:

    +++ Tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

    +++Sử dụng khoản dự phòng được trích lập đối với dư nợ cho vay chính con tàu trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật.

    +++Trường hợp đã xử lý như trên nhưng vẫn chưa thu hồi đủ nợ gốc, ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể.

    - Chính sách cho vay vốn lưu động

    + Đối tượng được vay vốn: Chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng).

    + Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

    Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách tín dụng nhằm phát triển thủy sản từ ngày 01/01/2018. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    49
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ