Loading

11:21 - 04/01/2025

Chính thức cấm shisha, bóng cười từ năm 2025 đúng không?

Bóng cười Shisha là gì? Năm 2025, sản xuất, buôn bán bóng cười bị xử lý hình sự như thế nào?

Nội dung chính

    Bóng cười Shisha là gì?

    Bóng cười là gì?

    Bóng cười đã trở thành một trong những thú vui phổ biến của giới trẻ hiện nay. Đây thực chất là những quả bóng bay thông thường, được bơm đầy khí dinitơ monoxide (N2O), một hợp chất hóa học còn được biết đến với tên gọi khí gây cười hoặc khí vui.

    Khí N2O không có mùi vị, nhưng khi hít vào, nó nhanh chóng kích thích não bộ, mang lại cảm giác hưng phấn, lâng lâng và sảng khoái. Chính hiệu ứng này đã khiến nhiều người tìm đến bóng cười như một cách giải trí, tuy nhiên việc lạm dụng nó tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại.

    Những người nghiện bóng cười thường gặp phải các triệu chứng như lo lắng, bất an, mất ngủ, gặp ác mộng, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp giảm, buồn nôn, ói mửa, đổ mồ hôi và thậm chí là ảo giác. Những dấu hiệu này cho thấy tác động tiêu cực của khí N2O đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng.

    Hiện nay, bóng cười xuất hiện ngày càng phổ biến, không chỉ trong các quán bar, vũ trường mà còn tại các quán cà phê và thậm chí là ở các quán vỉa hè. Sự tiện lợi và giá cả phải chăng đã khiến loại hình giải trí này lan rộng, bất chấp những cảnh báo về hậu quả mà nó có thể gây ra.

    Shisha là gì?

    Shisha, còn gọi là hookah hoặc nargile, là một hình thức hút thuốc phổ biến có nguồn gốc từ Trung Đông và Nam Á. Người dùng sử dụng bình shisha để đốt hỗn hợp thuốc lá, mật ong, và hương liệu trái cây, sau đó khói được hút qua ống dẫn và lọc qua nước trước khi hít vào.

    Dù mang lại cảm giác thư giãn và được ưa chuộng trong các buổi tụ họp, shisha tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Hút shisha có thể gây nghiện do chứa nicotin, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, và ung thư.

    Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng một giờ hút shisha có thể tương đương với việc hút 100 điếu thuốc lá về lượng khói và chất độc hại. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng shisha.

    Chính thức cấm bóng cười shisha từ năm 2025 đúng không?

    Căn cứ Nghị quyết 173/2024/QH15 (có hiệu lực ngày 14/01/2025), đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

    Do đó, kể từ ngày 01/01/2025, Việt Nam chính thức cấm sử dụng bóng cười và shisha trên toàn quốc.

    Mức phạt cụ thể đối với các hành vi hít bóng cười hoặc sử dụng shisha sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

    Hành vi buôn bán bóng cười shisha bị xử lý hình sự như thế nào?

    Căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định thì hành vi sản xuất, buôn bán bóng cười sẽ bị xử lý hình sự theo khung hình phạt như sau:

    Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    ...
    d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
    e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
    d) Có tính chất chuyên nghiệp;
    đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
    e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
    g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
    h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
    i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
    k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
    l) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
    a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
    b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
    c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
    d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
    đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
    b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
    d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
    đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Theo đó, cá nhân có hành vi buôn bán bóng cười shisha đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù nếu phạm tội trong trường hợp sản xuất, buôn bán bóng cười có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên.

    Ngoài ra, người phạm tội buôn bán bóng cười shisha còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Đối với pháp nhân thương mại có hành vi sản xuất, buôn bán bóng cười shisha tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hình sự phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    saved-content
    unsaved-content
    130