Loading

11:54 - 18/12/2024

Chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế, không thu thuế được quy định như thế nào?

Chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế, không thu thuế được quy định như thế nào? - Câu hỏi của anh L (Bà Rịa)

Nội dung chính


    Chứng từ thanh toán qua ngân hàng là gì?

    Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

    Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng.

    Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu.

    Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

    Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác. Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.


    Chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế, không thu thuế được quy định như thế nào?

    Chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế, không thu thuế được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Quy định về chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế?

    Vừa qua, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4066/TCHQ-TXNK năm 2022 về vấn đề hoàn thuế của Công ty TNHH phát triển Nguyên Phương:

    1. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xem xét hoàn thuế (hoặc không thu thuế) được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục này.
    4. Các trường hợp thanh toán sau cùng được coi là thanh toán qua ngân hàng:
    4.6. Trường hợp thanh toán giữa người xuất khẩu của Việt Nam và phía nước ngoài thực hiện bằng hình thức bù trừ giữa giá trị hàng hoá xuất khẩu hoặc tiền công gia công hàng hóa xuất khẩu với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua của phía nước ngoài thì người xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện, thủ tục hồ sơ sau:
    a) Hàng hoá mua bán giữa người xuất khẩu với bên nước ngoài phải ghi rõ phương thức thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu;
    b) Văn bản xác nhận của phía nước ngoài về số tiền thanh toán bù trừ giữa hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ mua của phía nước ngoài;
    c) Trường hợp sau khi thanh toán bù trừ giữa trị giá hàng hóa xuất khẩu và trị giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu có chênh lệch, số tiền chênh lệch còn lại phải được thanh toán qua ngân hàng. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại Phụ lục này.

    Theo đó, trường hợp khi giao dịch mua bán hàng hóa giữa người xuất khẩu của Việt nam và phía nước ngoài thực hiện bằng hình thức bù trừ giữa giá trị hàng hoá xuất khẩu hoặc tiền công gia công hàng hóa xuất khẩu với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua của phía nước ngoài vẫn được coi là thanh toán qua ngân hàng khi đáp ứng các điều kiện nêu trên.

    Các trường hợp đặc thù không dùng chứng từ thanh toán mà vẫn được hoàn thuế GTGT là gì?

    Căn cứ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC về các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ, hoàn thuế:

    Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
    ...
    3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng
    d) Các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ, hoàn thuế:
    d.1) Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:
    - Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hóa (01 bản sao); hoặc
    - Đơn khởi kiện đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện (01 bản sao); hoặc
    - Phán quyết thắng kiện của tòa án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh (01 bản sao); hoặc
    - Giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận (hoặc thông báo) bên mua nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán (01 bản sao).
    d.2) Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) hàng hóa ở nước ngoài của cơ quan thực hiện tiêu hủy (01 bản sao), kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm chi trả của cơ sở xuất khẩu hàng hóa hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba (01 bản sao).
    Trường hợp người nhập khẩu hàng hóa phải đứng ra làm thủ tục tiêu hủy tại nước ngoài thì biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) ghi tên người nhập khẩu hàng hóa.
    d.3) Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:
    - Giấy xác nhận việc tổn thất ngoài biên giới Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền liên quan (01 bản sao); hoặc
    - Biên bản xác định tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển ngoài biên giới Việt Nam nêu rõ nguyên nhân tổn thất (01 bản sao).
    Nếu cơ sở xuất khẩu hàng hóa đã nhận được tiền bồi thường hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam thì phải gửi kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng về số tiền nhận được (01 bản sao).
    Bản sao các loại giấy tờ hướng dẫn tại các điểm d.1, d.2 và d.3 khoản này bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ sở xuất khẩu hàng hóa. Trường hợp ngôn ngữ sử dụng trong các chứng từ, giấy tờ xác nhận của bên thứ ba thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng không phải là tiếng Anh hoặc không có tiếng Anh thì phải có 01 bản dịch công chứng gửi kèm. Trường hợp các bên liên quan phát hành, sử dụng và lưu trữ chứng từ dưới dạng điện tử thì phải có bản in bằng giấy.
    Cơ sở xuất khẩu hàng hóa tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của các loại giấy tờ thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho các trường hợp nêu trên.

    Như vậy, khi không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì các bên vẫn được khấu trừ, hoàn thuế đầu vào tuy nhiên phải sử dụng giấy tờ thay thế chứng từ thanh toán đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính minh bạch của các loại giấy tờ thay thế.

    saved-content
    unsaved-content
    145
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ