Cơ sở thẩm mỹ gây ra tai biến thẩm mỹ bị tước giấy phép hoạt động trong thời gian bao lâu?
Nội dung chính
Tai biến thẩm mỹ là gì?
Tai biến y khoa là các sự cố xảy ra trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh gây tổn hại cho sức khỏe hoặc tính mạng của người bệnh. Theo khoản 23 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hai nguyên nhân chính có thể gây ra tai biến:
- Rủi ro xảy ra ngoài ý muốn: Tình huống không thể dự đoán hoặc kiểm soát được, ngay cả khi người hành nghề y tế đã tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
- Sai sót chuyên môn kỹ thuật: Các lỗi hoặc thiếu sót trong việc thực hiện các quy trình y tế. Sai sót này có thể là do lỗi kỹ thuật, không tuân thủ đúng quy trình chuyên môn hoặc đánh giá sai về tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Tai biến y khoa hay tai biến thẩm mỹ có thể do hai nguyên nhân chính là những tình huống không thể lường trước và không thể kiểm soát được dù đã tuân thủ quy trình, hoặc do lỗi và thiếu sót trong quá trình thực hiện kỹ thuật y tế.
Cơ sở thẩm mỹ gây ra tai biến thẩm mỹ bị tước giấy phép hoạt động trong thời gian bao lâu? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm bồi thường của cơ sở thẩm mỹ khi khách hàng bị tai biến thẩm mỹ
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 về bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa như sau:
Bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa
Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Dẫn chiếu đến Điều 100 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật như sau:
Xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật
1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có ít nhất một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc, điều trị người bệnh;
b) Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
b) Trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
c) Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
d) Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
...
Theo các quy định hiện hành của pháp luật, khi một cơ sở thẩm mỹ thực hiện dịch vụ dẫn đến sự cố hoặc tai biến trong quá trình làm đẹp, cơ sở đó có nghĩa vụ pháp lý phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã gây ra. Điều này bao gồm việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng gặp sự cố tai biến đó. Trừ trường hợp người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn xác định.
Cơ sở thẩm mỹ gây ra tai biến thẩm mỹ bị tước giấy phép hoạt động trong thời gian bao lâu?
Tại khoản 7 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các hành vi liên quan đến tai biến y khoa. Cụ thể, cơ sở thẩm mỹ sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 8 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định về hình thức phạt bổ sung như sau:
Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh
8. Hình thức xử phạt bổ sung
...
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều này.
...
Như vậy, nếu cơ sở thẩm mỹ vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh, ngoài mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng thì còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Bên cạnh đó, đối với vi phạm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cơ sở thì tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng (theo điểm d khoản 8 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Đồng thời, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm theo khoản 9 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.