Công chức Viện kiểm sát nhân dân bắt buộc phải là cử nhân luật đúng không? Ai được ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân?
Nội dung chính
Công chức Viện kiểm sát nhân dân bắt buộc phải có bằng cử nhân luật không?
Căn cứ tại Điều 7 Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 401/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định như sau:
Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển
Người đăng ký dự tuyển công chức, ngoài những điều kiện quy định tại Luật cán bộ, công chức, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện sau tại thời điểm đăng ký:
1. Về chính trị hiện tại, lịch sử chính trị của bản thân và gia đình: Không vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Có trình độ đại học trở lên đúng chuyên ngành cần tuyển.
Trường hợp vị trí cần tuyển không yêu cầu trình độ đại học hoặc ở địa bàn, vị trí việc làm chuyên ngành khác có khó khăn về nguồn tuyển dụng thì đơn vị tuyển dụng báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
...
Theo đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đòi hỏi công chức Viện kiểm sát phải có trình độ đại học trở lên đúng chuyên ngành cần tuyển.
Trường hợp vị trí cần tuyển không yêu cầu trình độ đại học hoặc ở địa bàn, vị trí việc làm chuyên ngành khác có khó khăn về nguồn tuyển dụng thì đơn vị tuyển dụng báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
Như vậy không phải mọi trường hợp công chức Viện kiểm sát đều phải có bằng cử nhân luật.
Công chức Viện kiểm sát nhân dân bắt buộc phải là cử nhân luật đúng không? Ai được ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân?
Đối tượng nào được ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân?
Tại Điều 8 Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 401/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định như sau:
Ưu tiên trong tuyển dụng
1. Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng:
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tuyển, xét tuyển ở vòng 2 quy định tại Điều 13, Điều 15 Quy chế này;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 05 điểm vào kết quả thi quy định tại Điều 13, Điều 15 Quy chế này tại vòng 2;
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong; người có bố đẻ, mẹ đẻ hoặc bố nuôi, mẹ nuôi được pháp luật công nhận là công chức và người lao động không xác định thời hạn ngành Kiểm sát nhân dân (kể cả những người đã nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc đã chết): được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi quy định tại Điều 13, Điều 15 Quy chế này tại vòng 2.
...
Theo đó, các đối tượng sau sẽ được ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân:
(1) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B;
(2) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên;
(3) Người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị;
(4) Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B;
(5) Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động.
(6) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong; người có bố đẻ, mẹ đẻ hoặc bố nuôi, mẹ nuôi được pháp luật công nhận là công chức và người lao động không xác định thời hạn ngành Kiểm sát nhân dân
Thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác tuyển dụng công chức ngành Kiểm sát quy định ra sao?
Theo khoản 2 Điều 9 Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 401/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác tuyển dụng công chức ngành Kiểm sát như sau:
- Thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban giám sát tuyển dụng trong ngành Kiểm sát nhân dân;
- Phê duyệt kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định tuyển dụng;
- Quyết định tuyển dụng công chức cho các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, xét tuyển theo quy định tại Mục 4 Chương III Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 401/QĐ-VKSTC năm 2021;
- Quyết định tuyển dụng và phân công công chức đến công tác tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong trường hợp cần thiết.