Loading

14:04 - 10/12/2024

Đảng viên tổ chức mừng sinh nhật xa hoa, lãng phí có bị xử lý kỷ luật không?

Đảng viên tổ chức mừng sinh nhật xa hoa, lãng phí có bị kỷ luật không? Việc xem xét kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ phải dựa vào những căn cứ nào?

Nội dung chính

    Đảng viên tổ chức mừng sinh nhật xa hoa, lãng phí có bị xử lý kỷ luật không?

    Căn cứ theo quy định Điều 54 Quy định 69-QÐ/TW năm 2022 quy định về vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh như sau:

    Vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh
    1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
    a) Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi, gây dư luận xấu trong xã hội hoặc trái quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cư trú.
    ...
    2. Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
    ....
    3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
    ...

    Như vậy, việc tổ chức sinh nhật mang tính xa hoa, lãng phí sẽ bị kỷ luật bằng khiển trách nếu gây dư luận xấu trong xã hội hoặc vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cư trú.

    Đảng viên tổ chức mừng sinh nhật xa hoa, lãng phí có bị kỷ luật không?Đảng viên tổ chức mừng sinh nhật xa hoa, lãng phí có bị xử lý kỷ luật không? (Hình từ internet)

    Thời hiệu kỷ luật đối với tổ chức đảng vi phạm là bao lâu?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định 69-QÐ/TW năm 2022 quy định thời hiệu kỷ luật như sau:

    Thời hiệu kỷ luật
    1. Thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật.
    2. Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
    a) Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:
    - 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.
    - 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo.
    - Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
    ...

    Như vậy, thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:

    (1) 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.

    (2) 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo.

    (3) Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

    Lưu ý: Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.

    Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 4 Quy định 69-QÐ/TW năm 2022 thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

    Việc xem xét kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ phải dựa vào những căn cứ nào?

    Tại khoản 3 Điều 2 Quy định 69-QÐ/TW năm 2022 quy định như sau:

    Nguyên tắc xử lý kỷ luật
    1. Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.
    2. Thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng.
    3. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
    4. Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.
    5. Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
    6. Tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, sai, thì tổ chức đảng ra quyết định kỷ luật phải hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định kỷ luật cho phù hợp; nếu tổ chức đảng không thực hiện thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan, sai, nếu có vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý theo quy định.
    ...

    Như vậy, khi xem xét kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ, cần phải dựa vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả và nguyên nhân của vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, cũng như ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, vi phạm và hậu quả đã gây ra.

    saved-content
    unsaved-content
    70