Loading

16:39 - 14/11/2024

Đoàn viên công đoàn có những quyền gì? Đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn?

Đoàn viên công đoàn có những quyền gì? Đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn? Cán bộ công đoàn không chuyên trách gồm những ai?

Nội dung chính

    Đoàn viên công đoàn có những quyền gì?

    Đoàn viên công đoàn có những quyền gì? Theo quy định pháp luật điều chỉnh về công đoàn, thì đối với Đoàn viên công đoàn pháp luật quy định như thế nào về quyền của đoàn viên công đoàn?

     

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 18 Luật Công đoàn 2012 quy định về quyền của đoàn viên công đoàn như sau:

    - Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

    - Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

    - Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.

    - Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.

    - Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

    - Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

    - Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

    Đoàn viên công đoàn có những quyền gì? Đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn?

    Đoàn viên công đoàn có những quyền gì? Đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn? (Hình từ Internet)

    Đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn?

    Mình bên bộ phận HR, cho mình hỏi theo quy định hiện hành thì đối tượng nào không phải đóng đoàn phí công đoàn?

     

    Trả lời:

    Căn cứ: Điều 5 Luật Công đoàn 2012 và Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016

    Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012 thì:

    Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

    Khi gia nhập công đoàn thì đoàn viên công đoàn có trách nhiệm đóng đoàn phí theo Điều 23 Quy định ban hành kèm Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016.

    Căn cứ quy định trên cùng với Khoản 6 Điều 23 Quy định ban hành kèm Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 thì các trường hợp sau đây người lao động không phải đóng đoàn phí công đoàn bao gồm:

    1. Không gia nhập công đoàn:

    Gia nhập công đoàn là quyền của người lao động và dựa trên sự tự nguyện tham gia của người lao động. Do đó, nếu không gia nhập công đoàn thì người lao động sẽ không phải đóng đoàn phí công đoàn. Tuy nhiên, khi gia nhập công đoàn thì người lao động sẽ có được một số quyền lợi riêng so với những người không tham gia.

    2. Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí;

    3. Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó cũng không phải đóng đoàn phí.

     

    Cán bộ công đoàn không chuyên trách gồm những ai?

    Cán bộ công đoàn không chuyên trách gồm những ai? Xin được hỏi luật sư: Theo tôi được biết thì cán bộ công đoàn không chuyên trách là những người kiêm nhiệm hoạt động công đoàn. Vậy cho hỏi những chức vụ nào được xác định là cán bộ công đoàn không chuyên trách?

     

    Trả lời:

    Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 thì:

    Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm được Đại hội công đoàn, Hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được Ban chấp hành công đoàn chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh từ Tổ phó tổ công đoàn trở lên.

    Đồng thời, Khoản 2 Điều 24 Luật này xác định:

    Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

    Kết hợp 2 quy định trên, cán bộ công đoàn không chuyên trách là những người hoạt động công đoàn kiêm nhiệm, cụ thể bao gồm các chức vụ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn.

    Như vậy, tất cả các chức vụ từ Tổ phó công đoàn trở lên đều có thể hoạt động công đoàn với tư cách không chuyên trách tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của mỗi công đoàn cơ sở.

    saved-content
    unsaved-content
    354