Dùng lén căn cước công dân của người khác để phục vụ mục đích của bản thân có bị phạt không?
Nội dung chính
Dùng lén căn cước công dân của người khác để phục vụ mục đích của bản thân có bị phạt không?
Hiện nay vẫn có nhiều trường hợp dùng lén căn cước công dân của người khác để phục vụ mục đích của bản thân, tron đó có các mục đích gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ sở hữu căn cước công dân như sau:
- Tạo tài khoản ngân hàng ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền;
- Vay tiền;
- Làm giả hợp đồng, lập công ty ma để trốn thuế, mua bán hóa đơn;
- Tham gia cá cược, đánh bạc;
- Một số trường hợp sử dụng để trốn truy nã;...
Căn cứ vào khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;
c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Theo đó, hành vi dùng lén căn cước công dân của người khác để phục vụ mục đích của bản thân có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP trong trường hợp mượn căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Nếu hành vi mượn, sử dụng căn cước công dân nêu trên được thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt áp dụng sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Dùng lén căn cước công dân của người khác để phục vụ mục đích của bản thân có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ của công dân đối với căn cước công dân ra sao?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Luật Căn cước công dân 2014 nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:
- Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Xuất trình thẻ Căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;
- Bảo quản, giữ gìn thẻ Căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;
- Nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014.
Cho người khác mượn căn cước công dân thì người cho mượn có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì người cho mượn căn cước công dân cũng có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 trong trường hợp mục đích của việc cho mượn nhằm thực hiện hành vi trái với quy định pháp luật.
Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân như sau:
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
- Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin.
- Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.