Loading

10:24 - 27/09/2024

Giáo viên hợp đồng trong trường công lập là công chức hay viên chức?

Giáo viên hợp đồng trong trường công lập là công chức hay viên chức? Giáo viên hợp đồng trong trường công lập có được vào biên chế không? Quy định về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức?
Sắp tới đây tôi muốn về trường tiểu học công lập dưới quê để xin việc vì tôi nghe nói trường này đang tuyển giáo viên hợp đồng. Anh/chị cho tôi hỏi, giáo viên hợp đồng trong trường công lập có được coi là viên chức không ạ? Có được đưa vào biên chế không?

Nội dung chính

    Giáo viên hợp đồng trong trường công lập là công chức hay viên chức?

    Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về công chức như sau:

    Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

    Điều 2 Luật Viên chức 2010 định nghĩa về viên chức như sau:

    Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

    Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Nhà nước và không qua hoạt động ký hợp đồng.  

    Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.

    Giáo viên hợp đồng là người được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động, do đó giáo viên hợp đồng trong trường công lập là viên chức theo quy định của pháp luật.

    Hình từ Internet

    Giáo viên hợp đồng trong trường công lập có được vào biên chế không?

    Vào biên chế là từ sử dụng khá phổ biến, dùng để chỉ những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập “vĩnh viễn” hay cụ thể hơn là không xác định thời gian làm việc.

    Theo quy định hiện nay, tại Điều 25 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về các loại hợp đồng làm việc đối với công chức như sau:

    1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

    Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

    2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

    a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

    b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

    c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Viên chức để được đưa vào biên chế phải thuộc một trong các trường hợp:viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    Vậy, ở thời điểm hiện tại nếu bạn làm việc tại trường công lập thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bạn sẽ được đưa vào biên chế.

    Quy định về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức?

    Điều 26 Luật Viên chức 2010 quy định về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức như sau:

    1. Hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:

    a) Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

    b) Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.

    Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;

    c) Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;

    d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

    đ) Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;

    e) Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);

    g) Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;

    h) Chế độ tập sự (nếu có);

    i) Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;

    k) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

    l) Hiệu lực của hợp đồng làm việc;

    m) Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    2. Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.

    3. Đối với các chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật do cấp trên của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm thì trước khi ký kết hợp đồng làm việc phải được sự đồng ý của cấp đó.

    Trên đây là quy định của pháp luật về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    672