Giấy chứng nhận nghiệp vụ hải quan có được xem là Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan để được miễn dự thi không?
Nội dung chính
Giấy chứng nhận nghiệp vụ hải quan có được xem là Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan để được miễn dự thi không?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Hải quan 2014 có nêu như sau:
Đại lý làm thủ tục hải quan
...
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc công nhận, tạm dừng, chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan; cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.
Như vậy chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan thuộc thẩm quyền cấp của Tổng cục Hải quan.
Văn bản không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với chứng chỉ nghiệp vụ Khai Hải Quan; do đó Giấy chứng nhận nghiệp vụ hải quan không phải Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.
Khi muốn có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan thì phải có kết quả dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan đạt.
Giấy chứng nhận nghiệp vụ hải quan có được xem là Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan để được miễn dự thi không?
Hồ sơ dự thi chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan gồm những gì?
Căn cứ khoản 1, 2, 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2019/TT-BTC) hướng dẫn cụ thể như sau:
- Người dự thi lần đầu chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:
+ Phiếu đăng ký dự thi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật; 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu;
+ Hai (02) ảnh màu 3x4cm chụp trong thời gian 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi có ghi rõ họ tên, năm sinh ở mặt sau của ảnh (01 ảnh dán vào phiếu đăng ký dự thi, 01 ảnh dán vào Chứng chỉ khi được cấp).
+ Văn bản ghi kết quả học tập trong trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện chuyên ngành đáp ứng điều kiện miễn thi theo quy định tại tiết a.1 điểm a và tiết b.1 điểm b khoản 7 Điều này: 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu;
+ Văn bản xác nhận của trường đại học, cao đẳng mà người đăng ký dự thi công tác trước khi thôi làm giảng viên trong trường hợp người dự thi thuộc đối tượng miễn thi theo quy định tại tiết a.2 điểm a và tiết b.2 điểm b khoản 7 Điều này: 01 bản chính
- Người dự thi đăng ký dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan làm căn cứ tổ chức thi.
- Thông tin về thời gian, địa điểm nộp hồ sơ; thời gian, địa điểm thi và các thông tin khác liên quan đến kỳ thi được Tổng cục Hải quan thông báo chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố; báo Hải quan điện tử;
Niêm yết tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh, thành phố và gửi qua hộp thư điện tử của người đăng ký dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan chậm nhất là 60 ngày trước ngày thi.
- Trong thời gian thông báo nêu trên người dự thi phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thuận tiện do người dự thi lựa chọn và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi, Cục Hải quan tỉnh, thành phố lập danh sách người dự thi đủ điều kiện dự thi kèm hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí dự thi gửi về Tổng cục Hải quan để tổng hợp và công bố danh sách người đủ điều kiện dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để người dự thi biết.
Trường hợp nào được miễn thi và vẫn được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan?
Các trường hợp được miễn thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2019/TT-BTC) như sau:
- Miễn thi môn Pháp luật về hải quan và môn Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan đối với trường hợp sau:
+ Người tốt nghiệp chuyên ngành hải quan thuộc các trường đại học, cao đẳng mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp;
+ Người đã làm giảng viên thuộc chuyên ngành hải quan tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.
- Miễn thi môn Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương đối với trường hợp sau:
+ Người tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại quốc tế, kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế hoặc logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các trường đại học, cao đẳng mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp;
+ Người đã làm giảng viên thuộc chuyên ngành kinh tế ngoại thương hoặc thương mại quốc tế hoặc kinh tế đối ngoại hoặc kinh tế quốc tế hoặc logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.
- Cơ sở xét miễn thi:
+ Ngành đào tạo ghi trên bằng tốt nghiệp hoặc chuyên ngành đào tạo ghi trên văn bản ghi kết quả học tập phù hợp với chuyên ngành quy định tại tiết a.1 điểm a và tiết b.1 điểm b khoản này.
+ Văn bản xác nhận của trường đại học, cao đẳng mà người đăng ký dự thi công tác trước khi thôi làm giảng viên phù hợp với quy định tại tiết a.2 điểm a và tiết b.2 điểm b khoản này.