Khi gây ra tai nạn giao thông đường bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có trách nhiệm gì?
Nội dung chính
Trách nhiệm khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ được quy định ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm sau đây:
- Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
- Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ chỉ được sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp không có phương tiện nào khác nhưng phải xác định vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân tại hiện trường, không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể.
Lưu ý: Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Trách nhiệm phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ quy định thế nào?
Tại Điều 81 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định trách nhiệm phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo ngay cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
(2) Cơ quan Công an khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ phải tổ chức ngay lực lượng đến hiện trường thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và các biện pháp khác để giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
(3) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cứu ban đầu người bị tai nạn do tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác trong máu của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện xét nghiệm, phải lấy mẫu máu bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy định đến cơ sở xét nghiệm.
(4) Ủy ban nhân dân nơi gần nhất khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ phải thông tin cho cơ quan Công an có thẩm quyền để giải quyết.
(5) Doanh nghiệp bảo hiểm đối với người, phương tiện, tài sản liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ khi nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ phải cử người trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện của doanh nghiệp đến hiện trường phối hợp với đơn vị giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ.
(6) Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 2 Điều Điều 81 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 .
Tiêu chuẩn của cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 72/2024/TT-BCA để trở thành cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành Công an đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát theo quy định;
(2) Có thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông từ 06 tháng trở lên;
(3) Đã được công nhận hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ;
(4) Cán bộ Cảnh sát giao thông đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại các mục (1), (2) và (3) là cán bộ thụ lý chính;
(5) Cán bộ Cảnh sát giao thông chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại mục (1) nhưng đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại các mục (2), (3) là cán bộ hỗ trợ.
Tổ chức nào sẽ tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ?
Căn cứ theo quy định của khoản 1 Điều 4 Thông tư 72/2024/TT-BCA các cơ quan, đơn vị Cảnh sát giao thông có trách nhiệm tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ gồm:
- Cục Cảnh sát giao thông; các đội Cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt của Cục Cảnh sát giao thông có trụ sở độc lập;
- Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh); Đội Cảnh sát giao thông, Trạm Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh có trụ sở độc lập;
- Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Đội Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện).