Loading

11:19 - 26/12/2024

Người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không?

Căn cước điện tử được quy định thế nào? Người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không?

Nội dung chính

    Căn cước điện tử được quy định thế nào?

    Căn cứ Điều 31 Luật Căn cước 2023 quy định căn cước điện tử như sau:

    - Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

    - Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:

    + Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của Luật này;

    + Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

    - Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

    - Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

    - Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

    Người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không?

    Người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không? (Hình từ Internet)

    Người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không?

    Căn cứ Điều 34 Luật Căn cước 2023 quy định:

    Điều 34. Khóa, mở khóa căn cước điện tử
    1. Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
    a) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
    b) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
    c) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
    d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
    đ) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
    2. Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
    a) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;
    b) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
    c) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;
    d) Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
    3. Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.
    4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.
    5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.

    Theo đó, người dân có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử.

    Quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 5 Luật Căn cước 2023 quy định quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước như sau:

    - Công dân Việt Nam có quyền sau đây:

    + Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;

    + Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;

    + Được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

    + Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;

    + Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

    - Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau đây:

    + Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;

    + Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước;

    + Được xác lập số định danh cá nhân của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này;

    + Sử dụng giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;

    + Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

    - Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau đây:

    + Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp;

    + Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;

    + Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu;

    + Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật;

    + Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.

    - Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi được thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này thông qua người đại diện hợp pháp của mình hoặc tự mình thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

    saved-content
    unsaved-content
    38