Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là gì? Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở đâu?
Nội dung chính
Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Hợp tác xã 2023 quy định quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoặc tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được xây dựng nhằm thực hiện các công việc sau:
- Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và đối với thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, trừ thành viên là doanh nghiệp;
- Tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn trong nước và ngoài nước, nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài;
- Huy động vốn từ cá nhân, tổ chức trong nước;
- Ủy thác, nhận ủy thác cho vay; tư vấn tài chính và đầu tư, đào tạo cho khách hàng vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoặc tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn.
>> Xem thêm: Quỹ hợp tác xã có chức năng, nhiệm vụ được quy định như thế nào?
Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là gì? Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở đâu? (Hình từ Internet)
Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở đâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Luật Hợp tác xã 2023 quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở ở các cấp sau:
- Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam được thành lập ở Trung ương;
- Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã có phải báo cáo tài chính năm không?
Căn cứ khoản 1 Điều 106 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về kiểm toán độc lập như sau:
Kiểm toán độc lập
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm:
a) Hợp tác xã có quy mô lớn;
b) Liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên;
c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đề nghị thụ hưởng các chính sách của Nhà nước theo quy định của chính sách đó;
d) Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
2. Tần suất thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính:
a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này phải kiểm toán báo cáo tài chính theo tần suất do Điều lệ quy định nhưng tối thiểu 02 năm phải kiểm toán một lần;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thực hiện theo yêu cầu của Điều lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy định của pháp luật;
c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm.
3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động theo yêu cầu của Đại hội thành viên hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thì phải có báo cáo tài chính hàng năm được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.
Tên của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có bắt buộc phải có cụm từ "Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã" không?
Căn cứ Điều 50 Luật Hợp tác xã 2023 quy định tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh như sau:
Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh
1. Tên tiếng Việt của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Tên của hợp tác xã được bắt đầu bằng cụm từ “Hợp tác xã”. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thì tên bắt đầu bằng cụm từ “Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”. Tên của liên hiệp hợp tác xã được bắt đầu bằng cụm từ “Liên hiệp hợp tác xã”;
b) Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
2. Tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
3. Tên viết tắt của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
4. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
...
Như vậy, tên của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có bắt buộc phải có cụm từ "Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã" ở đầu tên Quỹ.