11:32 - 18/12/2024

Thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn, biển báo chỉ hướng thoát nạn, biển báo an toàn tầm thấp theo TCVN 13456:2022?

Sắp tới, Công ty của tôi sẽ thi công một công trình xây dựng khu trung tâm mua sắm tại Đồng Tháp. Ban tư vấn cho tôi hỏi, trường hợp lắp đặt các thiết bị, trang bị chỉ dẫn thoát nạn phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy được quy định theo tiêu chuẩn nào?

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy hiện nay?

    Căn cứ tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn như sau:

    Lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn ở tất cả các lối ra vào của cầu thang bộ thoát nạn, các đường thoát nạn trên tầng nhà và tất cả các lối ra của gian phòng có từ 02 lối ra thoát nạn trở lên;

    Có thể không cần bố trí trong các trường hợp sau:

    - Đối với gian phòng có trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

    + Chỉ có 01 lối ra vào hoặc;

    + Có lối ra trực tiếp ra hành lang bên hoặc không gian ngoài nhà.

    - Đối với gian phòng không trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

    + Chỉ có 01 lối ra vào và khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất không lớn hơn 7 m;

    + Khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến cửa ra vào không lớn hơn 13 m và diện tích tối thiểu phần tường tiếp giáp hành lang đạt 50 % là kính đồng thời đảm bảo một trong các điều kiện sau:

    • Cửa mở vào hành lang có bố trí chiếu sáng sự cố;

    • Cửa mở hành lang bên hoặc mở trực tiếp ra ngoài nhà.

    - Đối với nhà 1 tầng có diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở trên tường ngoài nhà đạt tối thiểu 80%.

    Tiêu chuẩn Quốc gia về thiết kế, lắp đặt chỉ dẫn thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy?

    Thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn, biển báo chỉ hướng thoát nạn, biển báo an toàn tầm thấp theo TCVN 13456:2022?

    Tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ hướng thoát nạn hiện nay?

    Căn cứ tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo chỉ hướng thoát nạn:

    Lắp đặt biển báo chỉ hướng thoát nạn trên đường thoát nạn, ở trong gian phòng và tất cả các vị trí mà tầm nhìn bị che khuất không thể phát hiện được các lối ra thoát nạn.

    Có thể không cần bố trí biển chỉ hướng thoát nạn, trong các trường hợp sau:

    - Sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che.

    - Nhà 1 tầng chỉ có mái che (không có tường bao quanh), với diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở chiếm tối thiểu 80% diện tích tường ngoài của nhà.

    Tiêu chuẩn lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp hiện nay như thế nào?

    Căn cứ tiểu mục 5.2 mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 năm 2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp trong phòng cháy chữa cháy quy định như sau:

    - Lắp đặt các biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn và biển báo chỉ hướng thoát nạn tầm thấp ở các tầng nhà có bố trí phòng nghỉ của khách sạn cao từ 07 tầng hoặc tổng khối tích 5.000 m3 trở lên có hành lang thoát nạn lớn hơn 10 m.

    - Đáy của biển báo tầm thấp phải lắp cách sàn một khoảng từ 150 mm đến 200 mm. Khoảng cách giữa các biển báo phải được đặt cách nhau không quá 10 m. Đối với cửa thoát hiểm, biển báo phải ở trên cửa hoặc giáp cửa với mép gần nhất của biển báo trong phạm vi 100 mm tính từ khung cửa (xem hình A.5).

    - Các biển báo an toàn ở tầm thấp được thiết kế để hỗ trợ người sinh sống, làm việc trong tòa nhà đến các lối ra thoát nạn khi khói che khuất các lối ra hoặc các biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn được gắn ở phía trên cửa và không thay thế biển báo an toàn tiêu chuẩn.

    Tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trong công tác phòng cháy chữa cháy?

    Căn cứ tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trong công tác phòng cháy chữa cháy như sau:

    -Tại các tầng có diện tích lớn hơn 1000 m2 hoặc có từ hai lối ra thoát nạn trở lên phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn (xem hình A.6).

    - Trong các phòng nghỉ của của khách sạn và các cơ sở lưu trú, cho thuê phòng ở phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn (xem hình A.7).

    - Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn gồm hai phần: phần chỉ dẫn bằng chữ và phần ký hiệu hình học. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được niêm yết ở các vị trí dễ nhận biết, dễ thấy và vị trí có người thường xuyên qua lại (xem hình A.6).

    + Phần ký hiệu hình học bao gồm mặt bằng của tầng; lối ra và chỉ hướng đường thoát nạn; cầu thang bộ; vị trí của sơ đồ tại tầng; vị trí đặt phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (ký hiệu phù hợp với quy định tại TCVN 4879:1989 và TCVN 5053 : 1990).

    + Phần chỉ dẫn bằng chữ gồm nội dung và trình tự xử lý khi có cháy.

    - Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào đặc tính, tính chất hoạt động; diện tích của tầng, phòng; phương án thoát nạn nhưng không được nhỏ hơn:

    + 600x400 mm - đối với sơ đồ chỉ dẫn tại tầng;

    + 400x300 mm - đối với sơ đồ chỉ dẫn tại phòng.

    - Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được gắn sao cho mép dưới của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn nằm ở độ cao 1,5 m ± 0,2 m so với mặt sàn.

    Tiêu chuẩn về chiều cao lắp đặt biển báo an toàn trong phòng cháy chữa cháy?

    Căn cứ tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt biển báo an toàn trong phòng cháy chữ cháy như sau:

    - Biển báo an toàn (không bao gồm biển báo an toàn tầm thấp) phải lắp đặt ở độ cao từ 2 m đến 2,7 m so với mặt sàn, hoặc ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2,7 m. Các khu vực không được bảo vệ chống khói khiến khói tích tụ có thể che khuất thì biển báo an toàn nên được gắn thấp hơn trần nhà tối thiểu 0,5 m để tránh bị ngập khói và không được lắp đặt biển báo an toàn được chiếu sáng từ bên ngoài.

    Trên đây là một số quy định về thiết kế, lắp đặt chỉ dẫn thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy.

    saved-content
    unsaved-content
    38
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT