Loading

13:56 - 20/09/2024

Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý có vi phạm quy định pháp luật không?

Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý có vi phạm pháp luật không? Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý bị phạt hành chính như thế nào?

Nội dung chính

    Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý có vi phạm pháp luật không?

    Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:

    a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

    b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

    c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

    d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;

    đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

    e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

    Như vậy, theo quy định trên trợ giúp viên pháp lý không được nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý. Bạn muốn gửi một khoản tiền cho chị M – trợ giúp viên pháp lý để cảm ơn thì không được vì chị M không thể nhận khoản tiền đấy, nếu chị M nhận thì chị M vi phạm pháp luật.

     Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý có vi phạm quy định pháp luật không? (Hình internet)

    Trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý bị phạt hành chính như thế nào?

    Theo Khoản 3 và 6 Điều 52 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

    3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    a) Sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của người khác để trục lợi;

    b) Cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để trục lợi;

    c) Lợi dụng danh nghĩa người thực hiện trợ giúp pháp lý để trục lợi, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

    d) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

    đ) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý mà không có căn cứ;

    e) Làm sai lệch các tài liệu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

    6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc hủy bỏ tài liệu bị làm sai lệch trong hồ sơ vụ việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều này;

    b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

    c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3, điểm d khoản 4 Điều này.

    Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

    4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Do đó, nếu chị M vẫn nhận tiền từ bạn (trợ giúp viên pháp lý nhận tiền từ người được trợ giúp pháp lý) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc chị M phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc nhận tiền của bạn.

    Quyền và nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý là gì?

    Tại Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

    1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

    a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

    b) Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

    c) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng;

    d) Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

    đ) Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

    e) Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

    g) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

    h) Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

    2. Trợ giúp viên pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

    a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này;

    b) Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

    c) Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;

    d) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

    3. Luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

    Trên đây là quyền và nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý mà luật quy định.

    !

    saved-content
    unsaved-content
    12