Từ 01/01/2025, hút thuốc lá điện tử bị phạt bao nhiêu?
Nội dung chính
Chính thức cấm sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2025?
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trong đó nội dung liên quan đến việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2025. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện quy định này, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cụ thể như sau:
- Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, theo Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông được ban hành kèm Quyết định 1751/QĐ-BGDĐT năm 2022 tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
Mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, nhưng thuốc lá điện tử vẫn chứa một hàm lượng nicotine cao tác động mạnh đến hệ thần kinh, việc sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine đều có thể dẫn đến nghiện nicotine và gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Như vậy, thuốc lá điện tử sẽ chính thức liệt kê vào danh sách mặt hàng cấm tại Việt Nam từ 2025.
Từ 01/01/2025, hút thuốc lá điện tử bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Từ 01/01/2025, hút thuốc lá điện tử bị phạt bao nhiêu?
Tại Hội thảo cung cấp thông tin kế hoạch triển khai thi hành nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày 25/12.
Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ xin ý kiến với nội dung như sau:
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan dự thảo Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
- Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng dự kiến đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi hút thuốc lá điện tử bị phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.
Bên cạnh đó sẽ có một số biện pháp bắt buộc như cai nghiện thuốc lá điện tử; nếu công chức, viên chức vi phạm gửi thông báo về cơ quan để cơ quan xử lý.
Các tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe từ thuốc lá điện tử là gì?
Theo Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông được ban hành kèm Quyết định 1751/QĐ-BGDĐT năm 2022:
- Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh:
+ Nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Sử dụng nitcotine liều cao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
+ Sử dụng nicotine lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, do vậy đặc biệt tác động đối với trẻ em.
+ Do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn
- Bệnh lý đường hô hấp:
+ Các axit béo bám dính vào phổi và gây ra phản ứng viêm tại phổi.
+ Các triệu chứng thường gặp là ho mạn tính, thở nông, ho ra máu hoặc đờm có máu.
+ Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này
- Suy giảm chức năng phổi:
+ Kim loại được giải phóng từ khói thuốc lá điện tử, tùy mức độ tiếp xúc, có khả năng gây ra khó thở, kích ứng phế quản và phổi, kích ứng màng nhầy ở mắt và đường hô hấp trên.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
+ Sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Bệnh lý tim mạch:
+ Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch.
+ Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong.
- Một số hóa chất độc hại như carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ
- Ung thư:
+ Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường
- Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u
- Chấn thương: Các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và phát nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm, cổ).