Loading

06:06 - 03/01/2025

Từ 01/01/2025, Việt Nam có 2 thành phố trong thành phố?

Từ 01/01/2025, Việt Nam có 2 thành phố trong thành phố? Tiêu chuẩn thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương?

Nội dung chính

    Từ 01/01/2025, Việt Nam có 2 thành phố trong thành phố?

    Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025.

    Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 269,10 km2 và quy mô dân số là 397.570 người của huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh theo quy định.

    Sau khi sắp xếp, thành phố Thủy Nguyên sẽ có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 04 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.

    Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

    Như vậy, Việt Nam chính thức có 02 thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Thủy Nguyên và thành phố Thủ Đức từ 01/01/2025.

    Từ 01/01/2025, Việt Nam có 2 thành phố trong thành phố? (Hình từ Internet)

    Tiêu chuẩn thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương?

    Căn cứ tại Điều 5 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 sửa đổi bởi Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 quy định như sau:

    - Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.

    - Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.

    - Đơn vị hành chính trực thuộc:

    + Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;

    + Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.

    - Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.

    - Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, cụ thể như sau:

    + Cân đối thu chi ngân sách: Dư

    + Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước (lần): 1,05 lần

    + Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    + Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    + Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 80%

    + Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 80%.

    Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh, thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương?

    Căn cứ tại Điều 17 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 quy định như sau:

    (1) Quy mô dân số từ 50.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 50.000 người thì cứ thêm 4.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.

    (2) Diện tích tự nhiên từ 50 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 50 km2 thì cứ thêm 05 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 25 điểm.

    (3) Số đơn vị hành chính trực thuộc:

    - Có từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở xuống được tính 2 điểm; trên 10 đơn vị hành chính cấp xã thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm;

    - Có tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 35% trở xuống được tính 1 điểm; trên 35% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.

    (4) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:

    - Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.

    - Trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% trở xuống được tính 3 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;

    -Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 70% trở xuống được tính 1 điểm; trên 70% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm;

    -Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm;

    - Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% trở xuống được tính 1 điểm; trên 55% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;

    - Tỷ lệ số đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;

    - Tỷ lệ số hộ dân cư được dùng nước sạch từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;

    - Tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên được tính 1 điểm; dưới 4% thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm.

    (5) Các yếu tố đặc thù:

    - Dân số tạm trú quy đổi từ 10% đến 20% so với dân số thường trú được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;

    - Thành phố thuộc tỉnh vùng cao được tính 1 điểm; thành phố thuộc tỉnh miền núi được tính 0,5 điểm;

    - Có từ 10% đến 20% đơn vị hành chính cấp xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền được tính 0,5 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhung tối đa không quá 1 điểm;

    - Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 0,5 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1 điểm.

    saved-content
    unsaved-content
    41