Loading


Ai thực hiện việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư?

Ai thực hiện việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư? Việc bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì chung cư có nhiều chủ sở hữu có mục đích dùng để ở diễn ra như thế nào?

Nội dung chính

    Ai thực hiện việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư?

    Theo quy định tại Điều 38 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư như sau:

    Giám sát hoạt động bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư
    1. Ban quản trị thực hiện giám sát hoạt động bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; trường hợp việc bảo trì có yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn mà Ban quản trị không có năng lực giám sát thì báo cáo Hội nghị nhà chung cư quyết định thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để giám sát; trường hợp thuộc diện bảo trì đột xuất thì Ban quản trị giám sát hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện giám sát nhưng phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư gần nhất; kinh phí thuê đơn vị tư vấn do các chủ sở hữu nhà chung cư đóng góp.
    Nội dung giám sát bao gồm: bảo trì thang máy, hệ thống điện, nước, xử lý chất thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, các hệ thống khác thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư và các nội dung khác do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
    2. Việc thuê tư vấn giám sát hoạt động bảo trì được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
    3. Phương án lựa chọn và chi phí thuê tư vấn giám sát do Hội nghị nhà chung cư quyết định và được thực hiện đồng thời khi lập kế hoạch bảo trì nhà chung cư.

    Như vậy, Ban quản trị là người giám sát chính, nhưng có thể thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực khi cần thiết, và mọi quyết định về thuê tư vấn đều phải được Hội nghị nhà chung cư phê duyệt.

    Ai thực hiện việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư? Ai thực hiện việc giám sát hoạt động bảo trì chung cư? (Hình từ Internet)

    Việc bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì chung cư có nhiều chủ sở hữu có mục đích dùng để ở diễn ra như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD đối với các nhà chung cư có mục đích để ở sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, việc lập tài khoản và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung sẽ được thực hiện như sau:

    - Ban quản trị nhà chung cư mở tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức tín dụng) để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của toàn bộ nhà chung cư.

    - Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu chuyển giao kinh phí bảo trì từ Ban quản trị, chủ đầu tư và Ban quản trị có trách nhiệm thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì để chuyển vào tài khoản mà Ban quản trị đã mở theo quy định tại điểm a của khoản này, nhằm quản lý và sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

    - Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể là một hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản, do Hội nghị nhà chung cư quyết định.

    -Đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, chủ tài khoản sẽ gồm ít nhất 3 thành viên Ban quản trị đồng đứng tên, số lượng thành viên tối đa sẽ do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Các thành viên đồng đứng tên phải có đại diện của:

    + Chủ sở hữu khu căn hộ,

    + Chủ sở hữu diện tích khác (nếu có),

    + Chủ đầu tư (nếu có),

    Và một số thành viên khác (nếu có) do Hội nghị nhà chung cư quyết định.

    - Kỳ hạn gửi tiền và việc đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì sẽ được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị, do Hội nghị nhà chung cư thông qua.

    Người mua căn hộ phải trả bao nhiêu tiền cho kinh phí bảo trì chung cư?

    Người mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở 2023. Cụ thể:

    - Đối với căn hộ, phần diện tích bán, cho thuê mua: Người mua phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc phần diện tích đó. Khoản tiền này được tính riêng với tiền bán hoặc thuê mua căn hộ và phải được quy định rõ trong hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua.

    - Đối với các hợp đồng ký trước ngày 01 tháng 7 năm 2006: Nếu hợp đồng mua bán hoặc thuê mua căn hộ, phần diện tích khác không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì, thì các chủ sở hữu sẽ họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí bảo trì, có thể đóng hàng tháng vào tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập.

    - Đối với các hợp đồng ký từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến trước khi Luật này có hiệu lực: Nếu giá bán hoặc giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì, người mua sẽ phải đóng khoản tiền này theo mức quy định tại Khoản 3 Điều 108 Luật Nhà ở 2023.

    Như vậy, người mua căn hộ chung cư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc phần diện tích mua, khoản tiền này được tính riêng và phải được ghi rõ trong hợp đồng.

    saved-content
    unsaved-content
    61